06/06/2017 08:30 GMT+7

Phòng say nắng nóng và bệnh mùa nắng

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Sáng 5-6, một phụ nữ 71 tuổi có tiền sử cao huyết áp đã tử vong trên đường phố Hà Nội trước khi xe cấp cứu đến. Các bác sĩ nghi nạn nhân chết do say nắng say nóng.

*** Error ***
Mệt mỏi vì nắng nóng, người đàn ông này ngồi nghỉ trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) - Ảnh: Nam Trần

Cùng ngày, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cho biết tại tỉnh này đã có một nam bệnh nhân là ông Cao Văn K. (42 tuổi) hôn mê, tiên lượng rất xấu do sốc nhiệt, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

Ba nhóm dễ mắc bệnh do nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kỷ lục những ngày đầu tháng 6 ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc khiến nhiều người bị say nắng say nóng. Từ ngày 2 đến ngày 5-6, riêng trạm trung tâm của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội đã ghi nhận ba trường hợp sốt cao, tri giác lơ mơ, ngất. Trong đó có nạn nhân tử vong nói trên.

Sáng 5-6, bệnh nhân đã tử vong nói trên đi xe máy mua đá lạnh cho thợ đang làm trong nhà dùng. Khi dựng xe chuẩn bị vào nhà, bà gục xuống và qua đời trước khi xe cấp cứu đến. Gia đình và người dân xung quanh đưa bà vào Bệnh viện Bạch Mai nhưng các bác sĩ xác định yếu tố nguy cơ nhất làm bà đột tử là say nắng say nóng.

Còn trường hợp bệnh nhân Cao Văn K., bác sĩ Đào Ngọc Việt, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, cho biết ông K. vào viện ngày 4-6 trong tình trạng hôn mê, sốt cao 40 độ, da và niêm mạc nhợt nhạt. Người nhà kể ông K. đi gặt lúa về thì hoa mắt, chóng mặt, sau đó ngất đi. Gia đình đã đưa ông K. đến Bệnh viện Đa khoa Yên Sơn để cấp cứu và được bệnh viện này chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để được điều trị tiếp nhưng tiên lượng rất xấu.

Theo các bác sĩ, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, béo phì... là ba nhóm dễ bị suy kiệt và mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng nhất. Bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết các bệnh liên quan tới nắng nóng ở trẻ em gồm: mất nước, chuột rút và kiệt sức do nóng, say nắng.

Ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ở những vùng có nhiệt độ cao thường gặp hai bệnh lý chính là lả nhiệt (do suy chức năng kiểm soát nhiệt từ nhẹ tới vừa) và say nắng say nóng.

Phòng bệnh mùa nắng như thế nào?

Theo bác sĩ Thủy, người bị ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng phải đi cấp cứu. Tình trạng chuột rút, kiệt sức vì nóng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng, ví dụ như trong giờ chơi thể thao. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước.

Theo bác sĩ Thủy, các gia đình nên tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ; cho trẻ đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường.

Nên tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người. Đồng thời hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm, uống đủ nước (đặc biệt là nước lọc) và tắm nước mát.

“Khi hoạt động trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ”- bác sĩ Thủy hướng dẫn.

Bác sĩ Thủy cũng cho biết nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi, do tỉ lệ diện tích cơ thể/cân nặng cao hơn so với người lớn, khiến lượng nhiệt trẻ hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn.

Trẻ quá nhỏ chưa thể tự lấy nước uống sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người trông trẻ, trẻ đủ lớn có thể tự lấy nước lại thường hay quên nên hay gặp tình trạng trẻ không uống đủ nước.

Ngoài ra, trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa, trẻ vận động quá nhiều, trẻ béo phì, trẻ đang dùng các loại thuốc giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể (histamine chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị tâm thần), trẻ có tiền sử bệnh liên quan tới nắng nóng cũng là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh do nắng nóng.

Còn bác sĩ Lương Quốc Chính khuyến cáo các yếu tố dẫn đến chứng lả nhiệt và say nắng say nóng gồm: tập luyện và lao động trong môi trường nóng bức, không có điều hòa thông khí, mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bí, không thấm nước, thiếu sự thích nghi với khí hậu), không uống nước, tuổi quá cao hoặc trẻ em, người béo phì, rối loạn nội tiết hoặc đang sử dụng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi như chẹn beta, lợi tiểu, kháng histamine...

Bác sĩ Chính cho biết tất cả bệnh nhân say nắng say nóng đều phải được đưa vào bệnh viện để theo dõi. “Nếu thời gian từ lúc bệnh nhân tăng thân nhiệt đến lúc được điều trị kéo dài sẽ có nhiều nguy cơ xấu tới sức khỏe. Nếu bệnh nhân được điều trị sớm, tích cực sẽ ít biến chứng” - bác sĩ Chính lưu ý.

Người bệnh huyết áp cao cần chú ý

2/3 bệnh nhân say nắng say nóng/nghi say nắng say nóng ghi nhận trong 2 ngày (ngày 2 và ngày 5-6) có tiền sử huyết áp cao.

Theo Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội, đây là một trong những nhóm dễ bị biến chứng nhất khi trời nắng nóng, nhất là những trường hợp lên cơn huyết áp cao đột ngột sau khi đi ngoài trời nắng nóng kéo dài.

Cách chăm sóc trẻ khi thời tiết thay đổi thất thường

*** Error ***
Nắng nóng gay gắt khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp (ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội sáng 5-6) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cho biết hiện mỗi ngày tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoảng 160 trẻ đang nằm điều trị, trong khi những lúc cao điểm là hơn 200 trẻ.

Bác sĩ Tùng lưu ý thời tiết tại TP.HCM những ngày gần đây thường xuyên thay đổi thất thường, đang nắng chuyển sang mưa, đang mưa chuyển sang nắng nên trẻ em cũng có nguy cơ bị mắc bệnh.

Khi trời mưa nhiệt độ giảm xuống, các bậc cha mẹ cũng cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc ấm, tránh bị gió lùa, còn khi trời nắng trẻ chạy nhảy đổ mồ hôi thì không nên bật quạt ngay mà nên lau mồ hôi rồi mới bật quạt và không để quạt thẳng vào người trẻ.

Các bác sĩ còn khuyên người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên, đồng thời nên cho trẻ uống nhiều nước.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều loại hoa quả, các loại rau để bổ sung các loại vitamin, tăng sức đề kháng cho trẻ.

Thùy Dương

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên