Khán giả hòa mình với màn trình diễn của các ca sĩ trong đêm bế mạc Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô (HOZO) 2022 - Ảnh: T.T.D.
Nếu đã là luật pháp thì hãy áp dụng cho mọi công dân, trong đó có nghệ sĩ. Còn khán giả luôn có đặc quyền là không ủng hộ nếu cảm thấy nghệ sĩ đi ngược lại quy chuẩn đạo đức của số đông.
Nghệ sĩ Hồng Ánh
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 vào ngày 22-12.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - trưởng Phòng thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT) - đã đề xuất Bộ VH-TT&DL xây dựng quy trình xử lý những cá nhân hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật.
Cơ quan quản lý sẽ rất cân nhắc
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 24-12, ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - khẳng định những quy định mà Bộ TT-TT phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng sắp tới không phải là xử phạt vi phạm hành chính mà là các biện pháp hạn chế phổ biến hình ảnh, hạn chế thông tin trên sóng, trên mạng của những nghệ sĩ vi phạm pháp luật nói chung hoặc vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn mà Bộ VH-TT&DL đã ban hành.
Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho rằng trong thời điểm hiện nay, hoạt động của các nghệ sĩ ngoài thực tế còn được thực hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, vì vậy việc phối hợp để giữ một môi trường nghệ thuật lành mạnh là rất cần thiết.
Vừa qua Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cũng đã có những buổi làm việc xung quanh vấn đề này.
Những quy định có vai trò như thêm một công cụ để những người làm nghệ thuật điều chỉnh cho đúng chuẩn mực. Dự kiến có thể công bố và áp dụng các hình thức hạn chế này trong năm 2023.
"Nghệ sĩ là người có ảnh hưởng với xã hội. Chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng, tới xã hội. Vì vậy dẫu khi hoạt động nghề nghiệp hay đi bất kỳ đâu, kể cả trên trang mạng xã hội cá nhân, nghệ sĩ cũng phải giữ gìn hình ảnh của mình và trên hết trách nhiệm của một công dân.
Công chúng không bao giờ chấp nhận người làm văn hóa, nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa. Vì thế với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có tính chất lặp đi lặp lại dù đã được cảnh báo nhắc nhở... thì cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết.
Tuy nhiên với người nghệ sĩ, được biểu diễn và được xuất hiện trước công chúng là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vậy khi phải áp dụng các hình thức cấm xuất hiện trên truyền hình, trên các nền tảng xã hội và cấm biểu diễn trực tiếp là điều cơ quan quản lý không mong muốn và sẽ rất cân nhắc", bà Ly nói.
Chưa đến mức "phong sát"
Năm 2021, nghệ sĩ Hồng Ánh từng nêu quan điểm về bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đảm nhận soạn thảo.
Còn bây giờ, trước đề xuất mới của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, chị nêu ý kiến: "Theo tôi, nghệ sĩ cũng là công dân. Việt Nam đã có những khung hình về pháp luật rồi, nên cứ theo đó mà áp dụng.
Nghệ sĩ cũng không phải là ngoại lệ, nên nếu đưa ra nhiều thứ phức tạp thì dễ gây diễn giải này kia. Nếu so sánh với phong sát của Trung Quốc thì câu chuyện ở Việt Nam hơi khác.
Quyền phong sát thuộc về khán giả. Không có gì kinh khủng với nghệ sĩ bằng bị khán giả quay lưng.
Nếu đưa ra điều luật hoặc quy định, chúng ta phải diễn giải rõ ràng. Ví dụ cụm từ "thuần phong mỹ tục" trong Luật điện ảnh cũng phụ thuộc vào góc nhìn rất nhiều".
Theo Hồng Ánh, mỗi người đều là công dân, nếu vi phạm pháp luật thì sẽ chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Còn nói là vì nghệ sĩ đại diện cho số đông người hâm mộ thì người hâm mộ của nghệ sĩ cũng không nhiều bằng một số đối tượng khác trong xã hội.
Ông Hoàng Quân - nhà sản xuất phim điện ảnh, từng làm việc với hàng chục nghệ sĩ nổi tiếng qua nhiều dự án phim - lại cho rằng nếu đề xuất "cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng xã hội" được quy định chính thức thì lại là điều tốt với nghệ sĩ.
Với tư cách người làm việc với nhiều nghệ sĩ, không chỉ làm phim điện ảnh mà còn làm quảng cáo và tư vấn truyền thông, anh chia sẻ mình sẽ cẩn thận hơn khi lựa chọn những đối tác làm việc cùng.
Ông Hoàng Quân nói với Tuổi Trẻ: "Với các nhà sản xuất phim, việc hợp tác với những nghệ sĩ gặp vấn đề về pháp luật hay đạo đức còn khiến tác phẩm gặp nguy cơ bị khán giả quay lưng.
Từ trước khi có đề xuất này, chúng tôi đã luôn có đánh giá sơ bộ về những nghệ sĩ mình cộng tác. Có những người có nguy cơ liên quan đến xì căng đan, chúng tôi cũng phải đánh giá rủi ro. Còn yếu tố liên quan đến pháp luật thì thường là mình không thể biết được".
Cũng như diễn viên Hồng Ánh, ông Hoàng Quân không dùng từ "phong sát" với đề xuất này. Ông nói: "Ở nước mình thì chưa đến mức phong sát đâu".
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đừng lẫn lộn với quyền công dân
Về nguyên tắc, vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử phạt nhưng phải liên quan trực tiếp và tương xứng giữa tính chất, mức độ vi phạm và chế tài trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật.
Chẳng hạn với nghệ sĩ vi phạm về nghề nghiệp thì có thể cấm biểu diễn, nhưng tại sao lại cấm họ lên sóng hay tương tác trên mạng xã hội. Cái đó thuộc quyền công dân, không liên quan.
Thăm dò ý kiến
Xung quanh đề xuất của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử: cấm diễn, cấm sóng, cấm mạng xã hội với nghệ sĩ vi phạm pháp luật. Ý kiến của bạn là:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận