Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng là tổn thương gây khuyết lớp niêm mạc dạ dày-tá tràng với độ sâu ít nhất là đến lớp dưới niêm mạc và là hậu quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố gây loét (acid clohydric, pepsin, xoắn khuẩn Helicobacter pylori,.. ) và các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày (chất nhày, bicarbonat, prostaglandin,…).
Bệnh thường đau ở thượng vị, ngoài ra có thể đau các vị trí bất thường khác như đau sát cơ hoành lan lên trên: tổn thương ở tâm vị (cần phân biệt với bệnh lý tim mạch); đau sau lưng lan lên trên: tổn thương mặt sau dạ dày tá tràng (cần phân biệt với bệnh lý thận, cột sống); đau hạ sườn trái: tổn thương ở bờ cong lớn (cần phân biệt với bệnh lý tụy),...
Triệu chứng khác:
- Rối loạn tiêu hóa: ăn không tiêu, ợ hơi, ợ chua, ăn kém,
- Sụt cân…
- Có thể có hội chứng nhiễm trùng.
Để phòng ngừa bệnh, cần:
- Tránh dùng thức ăn gây tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng: rượu bia, thuốc lá, thức ăn có nhiều gia vị chua cay.
- Tránh hoạt hóa acid mật: giảm ăn chất béo.
- Tạo môi trường đệm trong dạ dày: nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa không nên ăn quá no, ăn nhẹ, ăn lỏng, bữa ăn cuối cách giờ đi ngủ từ 3-4 giờ, không ăn quá khuya.
- Ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày: sữa, nước cháo, sữa đậu nành, bột ngó sen, đậu phụ, bí xanh, khoai tây, thịt nạc, cá ….
- Khi chế biến thực phẩm nên thái nhỏ, nấu kỹ cho mềm. Chủ yếu ăn đồ hấp, luộc, ninh.
- Hạn chế sử dụng các loại nước giải khát có ga.
- Hạn chế những thức ăn hay đồ uống quá lạnh hoặc quá nóng.
- Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm…Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức ngay.
- Tránh suy nghĩ căng thẳng, stress.
- Sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.
Khuyến cáo cần khám và điều trị chuyên khoa tiêu hóa khi có những triệu chứng nghi ngờ, kéo dài, triệu chứng báo động,…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận