Chuột rút ở bắp đùi. - Ảnh: ascendphysio.com.au
Mặc dù chuột rút gần như vô hại và không gây ra các chấn thương, nhưng cảm giác đau là cảm giác rất phổ biến khi bị chuột rút. Chuột rút là một cảm giác đau cơ bất ngờ, không tự chủ, kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn.
Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ khối cơ nào, vào bất cứ thời điểm nào nhưng thường xảy ra ở vùng cơ đùi, cơ bắp chân, hoặc bàn chân, thường xảy ra khi bạn đang nằm trên giường, khi đang chơi thể thao hoặc đang luyện tập thể chất.
Chuột rút bắp chân vào giữa đêm thường xảy ra khi bạn đang ngủ, là hậu quả của việc co thắt cơ ở bắp chân do duỗi bàn chân hoặc do đặt sai vị trí chân khi nằm. Các vận động viên bơi lội, những người thường xuyên phải duỗi thẳng bàn chân là những người thường bị chuột rút bắp chân. Một nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 70% số người trên 50 tuổi bị chuột rút chân vào ban đêm. Nói chung, khi bạn càng lớn tuổi, bạn sẽ bị chuột rút nhiều hơn.
Triệu chứng của chuột rút
- Đau nhói, co rút, đau thắt ở một cơ bắp;
- Trong những trường hợp chuột rút nghiêm trọng, có thể nhìn thấy sự co giật của cơ ở ngay dưới da.
Nguyên nhân của chuột rút
Chuột rút vẫn còn là một điều bí ẩn và chưa thể lý giải được chính xác tại sao nó lại xảy ra. Vận động nhiều hoặc không vận động đều có thể gây ra chuột rút.
Rất nhiều yếu tố có thể gây ra hiện tượng chuột rút. Sự mất cân bằng điện giải trong máu (kali và natri) thường là hậu quả của việc ra mồ hôi quá mức và mất nước, có thể gây ra hiện tượng chuột rút.
Một nguyên nhân phổ biến khác là do quá gắng sức hoặc do mỏi cơ, gây ra hiện tượng cơ co quá mức và/hoặc hình thành axit lactic ứ đọng trong cơ. Điều hòa kém cũng có thể gây ra hiện tượng chuột rút.
Nếu bạn luyện tập thể thao căng thẳng cả ngày, cơ bắp của bạn có thể sẽ co lại khi bạn ngủ và gây ra hiện tượng chuột rút. Tương tự như vậy, nếu bạn không quen với giày cao gót thì đi giày cao gót cũng có thể gây ra chuột rút. Một số loại thuốc, ví dụ như thuốc lợi tiểu dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, cũng có thể dẫn đến chuột rút.
Chữa chuột rút tại nhà.
Chặn đứng cơn đau: Với chuột rút bắp chân, hãy thả lỏng chân bằng cách dựng các ngón chân lên. Nằm xuống và kéo ngón chân và ức bàn chân về phía đầu gối có thể sẽ giúp bạn đỡ đau hơn. Cùng lúc đó, mat-xa nhẹ nhàng cơ bị đau để được thư giãn hoàn toàn. Đối với hiện tượng chuột rút gân kheo, duỗi chân thẳng ra, nhẹ nhàng kéo căng các cơ bắp vùng gân kheo và mat-xa vùng cơ bị đau nhẹ nhàng.
Chườm lạnh cơ: Chườm lạnh có thể làm giảm lượng máu đến cơ và do đó, có thể làm cơ thư giãn hơn.
Thay đổi thói quen khi đi đứng: Đặt toàn bộ trọng lượng cơ thể lên gót chân có thể làm giảm hiện tượng chuột rút ở chân
Uống nước: Uống nước có thể giúp bù lại lượng dịch đã mất do vã mồ hôi quá mức, hiện tượng thường gặp khi chạy bộ đường dài dưới trời nắng. Nếu mất cân bằng điện giải, quá ít kali hoặc natri là nguyên nhân của hiện tượng chuột rút thì việc uống các loại đồ uống có chứa chất điện giải dành riêng cho thể thao có thể sẽ giúp ích cho bạn. Tuy nhiên, đa số mọi người đều có thể có đủ lượng natri và kali từ bữa ăn hàng ngày, do vậy, uống bổ sung natri và kali là không cần thiết.
Có một bữa ăn cân đối: Ăn những thực phẩm giàu canxi và magie, ví dụ như rau có lá màu xanh, hoa quả tươi, các loại đậu, sữa, hạt vừng, gạo và yến mạch.
Cân nhắc khi sử dụng quinine: Trong rất nhiều năm, viên uống có chứa quinine sulfat là phương pháp chính để điều trị chuột rút bắp chân về đêm. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng chứng minh được rằng loại viên uống này là hiệu quả và an toàn. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng, các viên quinine được kê đơn có thể làm giảm tần suất bị chuột rút. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có rất nhiều tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, đôi khi là chết người. Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ đã từng yêu cầu các nhà sản xuất không bán các viên uống này ra thị trường. Cũng có nhiều người ủng hộ việc uống viên uống bổ sung chloride và vitamin E để giảm chuột rút, nhưng một lần nữa, cũng chưa có bằng chứng nào chứng minh cho hiệu quả của việc này.
Phòng ngừa:
Thay đổi thói quen khi ngủ: Nếu bạn thường bị chuột rút bắp chân về đêm, bạn không nên ngủ duỗi thẳng cả bàn chân ra và khi kéo dãn các cơ ở chân, không nên duỗi thẳng bàn chân. Ngủ nghiêng về một bên và không chui vào chăn quá chật và trùm kín chăn bởi việc làm này có thể khiến các ngón chân của bạn gập lại.
Thường xuyên tập kéo dãn cơ: Đôi khi, hiện tượng chuột rút là không thể tránh được, nhưng thường xuyên tập các bài tập kéo dãn cơ bắp chân có thể giúp cơ của bạn khỏe hơn và có thể giúp giảm chuột rút trong thời gian ngắn.
Uống đủ nước trước và trong khi luyện tập: Trong thời tiết nóng nực, uống ít nhất 500ml nước trước khi luyện tập 2 tiếng và uống khoảng 250ml nước mỗi 10-20 phút trong khi luyện tập.
Kiểm tra các loại thuốc bạn đang dùng: Chuột rút thường xuyên có thể là do các loại thuốc bạn đang uống. Thuốc lợi tiểu dùng để hạ huyết áp thường gây ra hiện tượng chuột rút bởi loạị thuốc này làm giảm lượng kali trong cơ. Trao đổi với bác sĩ về việc đổi một loại thuốc khác và/hoặc uống bổ sung kali. Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về việc tăng lượng kali thông qua các loại thực phẩm như chuối, cam và khoai tây.
Bổ sung muối: Nếu bạn không có đủ muối trong các bữa ăn, hãy thêm một chút muối khi nấu nướng, rắc chút muối vào thức ăn hoặc ăn các loại đồ ăn nhẹ có vị mặn như bánh quy mặn để giúp bạn khôi phục lại sự mất cân bằng trong cơ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận