Béo phì là tình trạng bệnh lý bởi sự tích luỹ mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Những nguyên nhân của việc thừa cân - béo phì ở trẻ em
- Khẩu phần ăn và tập quán dinh dưỡng
Năng lượng khẩu phần ăn vào cao hơn năng lượng tiêu hao dẫn đến dư thừa tích tụ thành mỡ. Chế độ ăn giàu chất béo hoặc có đậm độ nhiệt cao có liên quan chặt chẽ với sự gia tăng tỷ lệ béo phì. Các thức ăn giàu chất béo, đường ngọt thường ngon miệng nên trẻ ăn quá thừa mà không biết.
- Hoạt động thể lực kém
Cùng với yếu tố ăn uống, sự gia tăng tỷ lệ béo phì song song với sự giảm hoạt động thể lực, trẻ dành thời gian cho xem tivi, chơi game, đọc truyện, sử dụng máy vi tính, máy tính bảng, nói chuyện qua điện thoại nhiều hơn.
- Yếu tố di truyền
Những trẻ béo phì thường hay có cha mẹ béo phì, tuy vậy nhìn trên đa số cộng đồng yếu tố này không lớn. Nếu cả bố lẫn mẹ đều bị béo phì thì có 80% con họ sẽ bị béo phì, nếu một trong hai người béo phì thì 40% con họ sẽ bị béo phì.
- Yếu tố kinh tế xã hội
Xã hội thay đổi mô hình các phương tiện giao thông, gia tăng sự đô thị hóa…
- Suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ
Có mối quan hệ giữa suy dinh dưỡng trước đó với thừa dinh dưỡng về sau và đó là sự kết hợp đặc biệt nguy hiểm. Người ta nhận thấy những trẻ em cân nặng khi sinh và lúc 1 tuổi thấp thì về sau mỡ có khuynh hướng tập trung ở bụng.
Tác hại và nguy cơ thừa cân - béo phì ở trẻ em
Thừa cân - béo phì có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong
Về lâu dài, béo phì trẻ em sẽ trở thành béo phì tuổi trưởng thành và liên quan tới tất cả các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm, thường dai dẳng và rất khó xử trí như: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp; các biến chứng gan ở trẻ béo phì, đặc biệt là gan nhiễm mỡ; các rối loạn của dạ dày và thực quản...
- Các vấn đề tâm lý và xã hội
Trẻ bị béo phì hồi nhỏ thường kéo dài cho đến hết thời thanh thiếu niên, chức năng tâm lý xã hội kém, giảm thành công trong học tập và thường không khoẻ mạnh. Trẻ béo phì thường cảm thấy bức bối khó chịu, mỏi mệt, hay nhức đầu, tê buốt chân làm cho cuộc sống thiếu thoải mái. Trẻ béo phì cũng thường phản ứng chậm chạp hơn so với trẻ bình thường, kém tự tin, xấu hổ hoặc gặp khó khăn khi giao tiếp và tham gia các hoạt động xã hội.
Các biện pháp phòng chống thừa cân- béo phì cho trẻ em
Nhìn chung thừa cân béo phì cũng như các bệnh mạn tính liên quan có thể phòng và dự phòng được với các giải pháp trong việc cải thiện môi trường sống.
Hai giải pháp then chốt trong cộng đồng với mục tiêu ngăn ngừa sự gia tăng của thừa cân béo phì bao gồm: nâng cao hoạt động thể lực và cải thiện chất lượng khẩu phần ăn dựa trên các thực phẩm sẵn có ở địa phương. Mục tiêu chính của can thiệp là khuyến khích nâng cao mức hoạt động thể lực và lối sống năng động, bên cạnh đó hạn chế những thức ăn nhiều năng lượng cao, nhiều chất béo, đường ngọt và tăng cường sử dụng các thực phẩm lành mạnh tại địa phương.
Khuyến khích lối sống tích cực năng động (hoạt động thể lực, thường xuyên vận động); hạn chế xem ti vi, chơi game trên các thiết bị máy tính; khuyến khích sử dụng khẩu phần ăn nhiều rau và trái cây; hạn chế khẩu phần ăn gồm các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng (như các đồ ăn vặt đóng gói, các thức ăn chế biến sẵn nhiều calo, nhiều chất béo no); hạn chế khẩu phần đồ uống có đường; theo dõi cân nặng, chiều cao để duy trì cân nặng (BMI) hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận