23/10/2024 15:46 GMT+7

Phòng khám chui có bác sĩ giả chữa bệnh đã sai phạm những gì?

Khi kiểm tra phòng khám chui tại TP Pleiku, Sở Y tế tỉnh Gia Lai phát hiện rất nhiều sai phạm nhưng chủ cơ sở trốn tránh trách nhiệm, không phối hợp giải quyết.

Phòng khám chui có bác sĩ giả đã sai phạm như thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra phòng khám chui và phát hiện "bác sĩ" Võ Minh Thanh đang khám chữa bệnh - Ảnh: Đoàn kiểm tra cung cấp

Liên quan vụ phòng khám chui có bác sĩ giả hành nghề tại cơ sở "PK ĐHY TP.HCM" tại 75 Nguyễn Tất Thành, TP Pleiku (Gia Lai), ngày 23-10 Sở Y tế tỉnh này cho hay vừa có báo cáo về vụ việc.

Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, qua kiểm tra tại phòng khám phát hiện rất nhiều sai phạm.

Toàn bộ "đội ngũ" của phòng khám chui đều thay tên đổi họ

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan này phát hiện 13 phiếu thu tiền của bệnh nhân với số tiền 62,5 triệu đồng, trong đó số đã thanh toán là 28 triệu đồng.

Sở Y tế đã nhận được đơn của 5 người dân tố giác việc đến khám và điều trị tại phòng khám này. 

Trong đó người đóng ít nhất là 2 triệu đồng, nhiều nhất là 15 triệu đồng. Tổng số tiền 5 người dân đã nộp cho cơ sở là 36,5 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra nhiều lần gọi điện cho bà Lê Thị Thành, chủ cơ sở, nhưng không liên lạc được.

Theo lời khai của ông Võ Minh Chiến - vị bác sĩ giả, khi làm việc ông đóng giả thành bác sĩ Võ Minh Thanh để khám chữa bệnh. Bà Lê Thị Thành (chủ cơ sở) đổi tên là Trâm.

Ngoài ra 2 nhân viên khác của cơ sở này cũng đổi tên để thực hiện hành nghề. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thủy đổi tên thành Nguyễn Ngọc Phương và bà Đinh Thùy Dương đổi tên là Kim Huỳnh LiNa.

Thanh tra Sở Y tế xác định từ ngày 5-8 đến khi kiểm tra ngày 30-9, ông Chiến đã tư vấn, khám, điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân. Số tiền thu được từ bệnh nhân được chuyển vào tài khoản bà Lê Thị Thành.

Có dấu hiệu lừa đảo

Qua kiểm tra, Sở Y tế xác định hành vi của ông Võ Minh Chiến đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, ông Chiến đã hành nghề khi chưa được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh.

Ông Võ Minh Chiến không có chuyên môn, không có giấy phép hành nghề mà vẫn thực hiện hành vi khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân để lấy tiền là có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trong khi đó, hành vi của cơ sở này cũng vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, chưa được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh mà thực hiện hành vi khám chữa bệnh.

Sở Y tế kết luận vụ việc tại phòng khám này có dấu hiệu lừa đảo. Chủ cơ sở và nhân viên hành nghề đã thay đổi tên họ để trốn tránh trách nhiệm và không cho bệnh nhận biết tên thật khi xảy ra sai phạm.

Bà Lê Thị Thành, chủ cơ sở, có dấu hiệu không hợp tác, không thành khẩn làm việc, trốn tránh và không xác định được địa chỉ cư trú cụ thể.

Ngoài ra, cơ sở này treo biển hiệu là "PK ĐHY TP.HCM" để gây hiểu nhầm, nhằm thực hiện hành vi khám chữa bệnh không phép để trục lợi.

Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, UBND tỉnh Gia Lai vừa chấp thuận đề xuất của Sở Y tế chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc tại phòng khám này sang cơ quan điều tra.

Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Y tế và UBND TP Pleiku chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của phòng khám này và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Phòng khám chui có bác sĩ giả đã sai phạm như thế nào? - Ảnh 2.Chuyển công an điều tra vụ phòng khám chui có bác sĩ giả

UBND tỉnh Gia Lai thống nhất chuyển hồ sơ vụ phòng khám chui có bác sĩ giả tại TP Pleiku sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra làm rõ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên