Trần Công Minh (bìa trái) là cái tên mới nhất chia tay phòng đội tuyển quốc gia - Ảnh: Nam Khánh |
Trước đó, trưởng phòng ĐTQG Mai Đức Chung, nhân viên của phòng ĐTQG - cựu danh thủ Phạm Như Thuần cũng lần lượt ra đi.
Phòng ĐTQG là phòng quan trọng nhất của VFF, đây là “bàn thờ”, không phải chỗ chạy chọt |
Chủ tịch VFF LÊ HÙNG DŨNG |
22 ngày của Công Minh
Phòng ĐTQG là phòng chức năng quan trọng nhất trong bộ máy VFF làm công tác chuyên môn liên quan đến các đội tuyển. Khi các ĐTQG tập trung, phòng này là nơi cùng với các bộ phận chuyên môn của VFF lên kế hoạch tập huấn, hỗ trợ công tác tuyển chọn VĐV, liên hệ với các CLB triệu tập cầu thủ. Nhưng thật lạ lùng, những thành viên ít ỏi làm công tác chuyên môn của phòng ĐTQG đã lần lượt bỏ ra đi. Câu chuyện của cựu danh thủ Trần Công Minh hiện đang là trợ lý đội tuyển U-23 cho HLV Miura là ví dụ mới nhất về sự “dứt áo ra đi” của những người làm chuyên môn với VFF.
Ngày 18-11-2015, trang web của VFF đăng bài viết với tựa đề “Cựu danh thủ Trần Công Minh chính thức làm việc chuyên trách tại phòng ĐTQG”. Cùng ngày, tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh và HLV Trần Công Minh đã ký hợp đồng làm việc với nhiều hứa hẹn về sự hợp tác giữa hai bên. Thế nhưng đến ngày 10-12, tức chỉ 22 ngày sau khi ký hợp đồng về làm nhân viên phòng ĐTQG, HLV Trần Công Minh tuyên bố sẽ về làm HLV cho CLB hạng nhất Cà Mau chuẩn bị mùa giải 2016. Điều này đồng nghĩa với việc HLV Công Minh sẽ chấm dứt hợp đồng làm nhân viên VFF vừa ký trước đó.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, HLV Công Minh nói: “Hợp đồng của tôi với VFF có thời hạn 2-3 năm gì đó nhưng ở mỗi thời điểm người ta phải đưa ra những lựa chọn khác nhau. Tôi đã suy nghĩ kỹ và sẽ chấm dứt hợp đồng với VFF để về làm HLV cho Cà Mau”. Trước câu hỏi “Sau ba tuần làm việc, anh có cảm nhận gì về công việc ở phòng ĐTQG?”, HLV Công Minh đáp: “Nói thật tôi chưa ngồi ở phòng làm việc VFF ngày nào vì bận đi theo đội tuyển U-23 từ khi ký hợp đồng”.
“Bàn thờ” mất thiêng
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch VFF, từng nói rằng phòng ĐTQG là phòng quan trọng nhất của VFF, đây là “bàn thờ, không phải chỗ chạy chọt” khi nói về việc ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, xin về phòng này làm việc. Nhưng thật lạ lùng, trước khi HLV Công Minh ra đi, phòng ĐTQG đã chia tay HLV Phạm Như Thuần sau một thời gian gắn bó. Cựu danh thủ Như Thuần là nhân viên phòng ĐTQG nhưng đến vòng 20 V-League 2015, anh được CLB Than Quảng Ninh mời về dẫn dắt đội bóng và được lãnh đạo VFF đồng ý cho ra đi tạm thời. Sau mùa giải 2015, HLV Như Thuần xin nghỉ việc hẳn ở phòng ĐTQG.
Trước đó vào tháng 5-2015, trưởng phòng ĐTQG Mai Đức Chung cũng xin nghỉ việc trước thời hạn khiến phòng này rơi nào tình trạng không có trưởng phòng. Việc ông Chung bỏ ghế trưởng phòng ĐTQG về làm HLV cho CLB B.Bình Dương là câu chuyện khiến nhiều thành viên trong ban chấp hành VFF có ý kiến trong cuộc họp tháng 10 vừa qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một phó chủ tịch VFF nói: “Tôi cũng không hiểu vì sao cán bộ có chuyên môn bóng đá hiếm hoi ở VFF như anh Mai Đức Chung, Như Thuần, Công Minh đến rồi lại ra đi hết. Vẫn biết việc làm HLV ở CLB là lựa chọn tốt cho họ, thu nhập cũng cao nhưng rõ ràng là VFF không phải chỗ thu hút và giữ chân được người có chuyên môn về làm”.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay phòng ĐTQG chỉ có một phó phòng là ông Đoàn Anh Tuấn, 31 tuổi, người trước đây là phiên dịch của HLV đội tuyển bóng đá nữ Trần Vân Phát. Nhân viên trong phòng ĐTQG có ba người: chị Phạm Thị Dung (đang nghỉ hộ sản), chị Trần Thị Bích Hạnh và anh Đoàn Việt Cường. Theo một lãnh đạo VFF, từ đầu năm 2016, anh Đoàn Việt Cường cũng xin chuyển khỏi phòng ĐTQG để sang bộ phận khác. Vì thế theo lãnh đạo này, “bàn thờ” của VFF giờ chỉ có một nhân viên đang làm việc và một phó phòng.
Nói về sự ra đi của những người làm chuyên môn tại VFF, tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng phòng ĐTQG cần một số cán bộ chuyên môn làm bóng đá. “Đây là quan hệ hợp đồng lao động, người lao động có nguyện vọng gia nhập hoặc chấm dứt hợp đồng cũng là chuyện bình thường. Mỗi giai đoạn mỗi người lại có lựa chọn công việc khác nhau nên VFF tôn trọng quyết định của họ chứ không có mâu thuẫn gì” - ông Hoài Anh nói.
VFF thiếu tiếng nói có trọng lượng VFF là tổ chức xã hội của những người làm bóng đá VN nhưng ở tổ chức này có rất ít người làm việc xuất thân từ bóng đá. Vì thế, bao năm qua VFF luôn bị dư luận phê bình vì thiếu người làm chuyên môn. Do không giỏi về chuyên môn nên VFF không có những tiếng nói có trọng lượng khi thẩm định hồ sơ HLV ngoại để ký hợp đồng và ít khi phản biện với giáo án mà các HLV ngoại đưa ra. Đặc biệt khi các ĐTQG thi đấu thất bại, hiếm khi người ta thấy VFF tổ chức được cuộc họp nào để phân tích, đánh giá thấu đáo nguyên nhân thất bại. Thông thường những năm qua cứ mỗi khi ĐTQG, U-23 thất bại thì HLV dẫn dắt đội tuyển đó sẽ mất việc hay nặng hơn là quan chức VFF “ra đi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận