29/12/2019 12:33 GMT+7

Phong đi học, tay và cổ kẹp bút

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Phong có đôi mắt sáng, nhưng hai tay và hai chân thì teo lại, co quắp. Không ai nghĩ đến việc Phong có thể đi học, kể cả những người lạc quan nhất. Nhưng đầu năm học vừa rồi, Phong nằng nặc đòi bố mẹ đưa đến lớp học chữ.

Phong đi học, tay và cổ kẹp bút - Ảnh 1.

Để có thể viết được chữ, Phong phải dùng cả tay và cổ để kẹp cây bút - Ảnh: Q.N.

Gần bốn tháng trôi qua của năm học mới trở thành những ngày tháng vui nhất cuộc đời Phong. Phong đã viết được chữ, cộng được số dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Phong đã không bỏ cuộc để có thể làm người bình thường - dù chỉ là trong suy nghĩ.

Được đi học là vui rồi. Cực mấy cháu cũng chịu được.

Nguyễn Thế Phong

"Con muốn đi học"

Nguyễn Thế Phong là học sinh lớp 1A Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Phong được nhận vào lớp này theo cách rất đặc biệt và là học sinh khuyết tật đầu tiên của trường. Vì bị dị tật nên chưa từng được đi học mầm non trước đó, nhưng Phong vẫn được các thầy ở Trường tiểu học Xuân Trạch nhận vào học lớp 1. Vì Phong quá yêu việc học.

Anh Nguyễn Văn Nhật chia sẻ vợ chồng anh từ khi sinh Phong ra đến nay vốn cũng chỉ biết thương xót cho cuộc đời con, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến việc cho con đi học như những đứa trẻ bình thường, kể cả khi Phong ở tuổi mẫu giáo và khi đủ 6 tuổi. "Bất ngờ đến hè vừa rồi, Phong nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học vì thấy các bạn được đi học quá thích" - anh Nhật kể.

Cô Lê Thị Hiệp, phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch, kể ngày vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhật và chị Nguyễn Thị Trúc Phương đưa con đến trường, xin đi học, ban giám hiệu cũng khá ngỡ ngàng với đề nghị đó. 

"Vô số thử thách đặt ra nếu Phong đi học như các bạn. Ban giám hiệu ban đầu có đề nghị phụ huynh thử liên hệ với các trường khuyết tật cho Phong đến học. Nhưng Phong không chịu. Phong chỉ muốn học ở trường bình thường. Phong muốn được xem như người bình thường, chứ không phải học sinh khuyết tật. Và ban giám hiệu đã không thể từ chối" - cô Hiệp nói. 

Các thầy cô hỏi Phong có vượt qua được những khó khăn trong việc tập đọc, tập viết với tay chân như thế khi đến lớp không, Phong gật đầu cái rụp.

Phong đi học, tay và cổ kẹp bút - Ảnh 3.

Phong nằm trên bàn học được thiết kế đặc biệt cho riêng mình ở cuối lớp - Ảnh: Q.NAM

Không để giấc mơ của con dở dang

Nhận Phong vào lớp 1, những thầy cô ở Trường tiểu học Xuân Trạch cũng không dễ để Phong thích nghi ngay với môi trường mới. Phong không thể ngồi học như các bạn, thầy hiệu trưởng phải thiết kế cho Phong một chiếc bàn học có hình dáng của một chiếc giường và được đặt ở cuối lớp để Phong nằm tập viết. 

Cô giáo viết chữ trên bảng, Phong ở dưới ngước cổ lên nhìn theo. Phong nói cũng mỏi cổ, mỏi tay lắm, nhưng Phong quyết tâm học chữ bằng được. "Em viết một lần chưa được thì viết nhiều lần. Đến khi được thì thôi" - Phong nói.

Anh Nhật là lao động chính và gần như duy nhất trong nhà với 3 đứa con, Phong là con đầu. Gia đình này thuộc hộ nghèo của xã. Mỗi sáng, chị Phương "kẹp" con đưa đến lớp bằng cách lấy một chiếc túi lớn độn áo quần cũ vào cho phồng to lên, đặt ở phần lõm phía trước yên xe máy. 

Phong sẽ nằm trên chiếc túi này trong tư thế chồm về phía trước. Hai tay chị Phương vừa lái xe vừa kẹp con. Ngày nắng còn đỡ, nhưng ngày mưa thì khổ vô cùng. Anh Nhật nói ngay đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua tại Quảng Bình, mưa gió quần quật liên tục cả tuần nhưng Phong không chịu ở nhà, sáng nào cũng đòi đến lớp bằng được.

Những ngày này, anh Nhật đã đi làm thuê tận miền Nam. Dù là lao động chính nhưng anh cũng không có nghề nghiệp ổn định. Hỏi anh Nhật chuyện sẽ cho Phong đi học đến bao giờ trong điều kiện khó khăn của cả gia đình và cả bản thân Phong như thế, anh nói dù khó khăn đến mấy hai vợ chồng cũng sẽ cố gắng cho con đi học bằng được. 

"Giấc mơ của Phong là được đến trường. Phong đã phải vượt qua nhiều thử thách để đạt được giấc mơ đó. Không thể để giấc mơ của Phong dở dang được" - anh Nhật nói.

Cô giáo Lê Thị Hiền Bích, giáo viên chủ nhiệm lớp của Phong, nói thật khó để Phong có thể tự cầm được cây bút bằng bàn tay co quắp của mình. Nhưng Phong không nản. Phong dùng luôn cả miệng, cả đầu kẹp chặt cây bút để viết. Anh Nhật kể những ngày đầu bàn tay và cổ Phong mỏi nhừ, vết cây bút hằn sâu vào da thịt. Anh Nhật thương con cũng khuyên con nếu khó khăn quá thì không cần gắng.

Nhưng Phong vẫn quyết tâm học chữ bằng được và khoảng sau một tháng đã theo kịp chương trình như các bạn cùng lớp. "Điều kỳ lạ là chữ viết của Phong đẹp không kém những bạn học bình thường, khả năng tư duy cũng ở mức khá của lớp" - cô Bích cho biết.

Nghị lực của cô bé không tay, không chân Nghị lực của cô bé không tay, không chân

Được sinh ra với 1 hình hài khỏe mạnh tưởng chừng là một điều giản đơn với nhiều người. Thế nhưng, có một cô bé ở vùng quê nghèo tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã thiếu may mắn khi vừa lọt lòng đã không có tay chân.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên