07/08/2024 12:48 GMT+7

Phòng có 4 giường mà đã hết 3 giường mở loa ngoài của điện thoại

Nói chuyện ồn ào nơi công cộng đang trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Ở bệnh viện, thang máy, xe buýt, máy bay, cứ chỗ nào có mạng miễn phí là cứ "tám"...

Phòng có 4 giường mà đã hết 3 giường mở loa ngoài của điện thoại- Ảnh 1.

Nơi công cộng là không gian chung cho mọi người. Tự chốn ấy đã mặc nhiên có quy định bất thành văn: Mỗi người phải ý tứ trong lời ăn tiếng nói, hành vi của mình.

Tuy nhiên, thời gian qua việc hành xử ồn ào nơi công cộng của nhiều người trở thành phổ biến. Ở bệnh viện, thang máy, xe buýt, máy bay... cứ chỗ nào có mạng miễn phí là cứ "tám".

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này của bạn đọc Nhất Nguyên xung quanh câu chuyện này.

Bị "tra tấn" khắp nơi

Tôi hiện ở một khu chung cư được nhiều người đánh giá là "cao cấp" tại quận 7 (TP.HCM). Thế nhưng gần như ngày nào bước vào thang máy cũng bắt gặp một vài người mở loa ngoài điện thoại ầm ĩ, không xem "tóp tóp", xem phim thì cũng chơi game, còn không thì nói chuyện qua điện thoại với âm lượng lớn nhất có thể.

Một vài người có đeo tai nghe, nhưng hỡi ôi, hoặc là tai nghe hình như có vấn đề, hoặc bản thân người dùng thấy âm lượng chưa đã, nên những người đứng xung quanh đều nghe rõ những gì mà người đó đang nghe, bất chấp những cái cau mày khó chịu từ người xung quanh.

Không gian thang máy chật hẹp, những lúc như vậy chỉ mong đến thật nhanh tầng của mình. 

Cũng không ít lần khi ở những nơi công cộng khác, thậm chí trên máy bay, dù tiếp viên liên tục nhắc nhở, vẫn không ít người thản nhiên tiếp tục cuộc trò chuyện đã bắt đầu từ lúc còn bên trong nhà chờ.

Trò chuyện với nhau chưa đủ, nhiều người còn đứng dậy quay video cho người bên kia xem rồi oang oang: "Nè, lên máy bay rồi nè. Thấy máy bay chưa?".

Máy bay bắt đầu lăn ra đường cất, hạ cánh, máy bay vừa mới đáp xuống mặt đất là thế nào cũng có những tiếng chuông ầm ĩ vang lên. Tiếp viên nhắc thì mặc tiếp viên, khách xung quanh khó chịu thì vẫn mặc kệ. Với họ, thế giới này dường như chỉ có họ và chiếc điện thoại.

Tuần rồi tôi tranh thủ đi thăm người thân đang nằm bệnh viện. Phòng có 4 giường mà đã hết 3 giường mở loa ngoài của điện thoại. Người thì mở YouTube xem, người thì nói chuyện qua video thông qua một ứng dụng nghe gọi miễn phí, người thì mê mẩn với bộ phim cung đấu Trung Quốc.

Mà có phải mỗi 3 cái điện thoại đâu, bệnh nhân mở, người nhà mở, rồi thêm tiếng tivi, tiếng người cười đùa ầm ĩ. Tôi và người thân của mình chỉ biết nhìn nhau ngao ngán: Chẳng biết đây có phải là phòng bệnh, chỗ cần yên tĩnh, nghỉ ngơi hay không nữa!

Cách ứng xử thiếu văn minh này tôi cũng từng gặp phải tại một bệnh viện tư lớn ở TP.HCM khi chăm sóc ba tôi.

Phòng chỉ có 2 giường, bệnh viện rất yên tĩnh, nhưng hễ đến giờ đi ngủ, cỡ 21h30 trở đi là gia đình ở giường kế bên mở loa ngoài để giải trí: Từ tân cổ giao duyên, nhạc xưa, nhạc chế đến nhạc trẻ... thâu đêm.

Không cách nào chợp mắt hay nghỉ ngơi, tôi đành phải ra "cầu cứu" điều dưỡng trực. Các bạn chạy vào nhắc nhở thì được cỡ chừng 3 phút, sau khi điều dưỡng đi ra là đâu lại vào đó.

Nhắc mấy lần nữa thì bị quát vào mặt là "phiền quá", "phải mở nhạc to như thế mới ngủ được" (?). Nghe tới đây thì thật sự "cạn lời".

Nhắc nhở thì bị nói là làm phiền 

Thẳng thắn mà nói, các ứng dụng nghe gọi miễn phí qua Internet đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam, vừa giúp tiết kiệm chi phí đồng thời kết nối dễ dàng.

Tuy nhiên cũng từ việc tiện dụng này, đến nỗi nhiều người gặp nhau là chỉ hỏi số để kết bạn, nhắn tin, gọi điện qua ứng dụng. Thậm chí nhiều người khi nhận được điện thoại loay hoay không biết nghe như thế nào, vẫn cứ để cách mặt một khoảng xa xa rồi cứ thế mở loa "alo", "alo" um lên.

Tiện là vậy, nhưng phiền toái mà chúng mang lại cũng không ít.

Tận dụng mạng WiFi miễn phí hoặc tận dụng gói ưu đãi từ các nhà mạng cho các ứng dụng này, không ít người đã vô tư "tám" cả tiếng đồng hồ, không quan tâm mình đang ở đâu. Bệnh viện, thang máy, xe buýt, máy bay, cứ chỗ nào có mạng là ta cứ "tám".

Nói qua tai nghe chưa đã thì mở loa ngoài cho to lên, kệ người xung quanh có phiền hà hay không, có nhu cầu nghe hay không, cũng chẳng cần biết là những hành vi như vậy cũng là một dạng "quấy rối" người khác.

Vậy chứ nếu nhắc nhở thì lại gây gổ, cho rằng người khác phiền hà trong khi chính mình mới đang làm phiền người khác!

Bạn từng là nạn nhân của những ứng xử ồn ào nơi công cộng? Theo bạn, giải pháp nào để hạn chế thói xấu này?

Bạn có đồng ý với đề xuất: Những nhà cung cấp dịch vụ có thể giới hạn thời gian cho mỗi cuộc gọi và tổng thời gian có thể gọi miễn phí trong một ngày hay chăng, để hạn chế việc vô tư "tám", làm phiền người.

Mời bạn kể lại những điều mắt thấy tai nghe, cũng như giải pháp thông qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Dân mạng tố muôn kiểu vô ý thức của người ViệtDân mạng tố muôn kiểu vô ý thức của người Việt

TTO - Từ status với cảnh bên trong xe khách "như bãi rác chứ không phải sàn xe", cư dân mạng kể ra rất nhiều thói xấu, ở nhiều độ tuổi và ngành nghề.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên