Ngày 5-9, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp về phòng chống dịch sởi với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện.
74% trẻ mắc sởi chưa được tiêm chủng
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết trong giai đoạn từ 2021 - 2023 TP chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc sởi, đầu năm 2024 đến ngày 22-5 TP không ghi nhận ca mắc sởi.
Tuy nhiên, từ ngày 23-5 đến ngày 4-9 tại TP ghi nhận 541 trường hợp mắc sởi, 3 ca tử vong gồm 2 trường hợp có địa chỉ ở TP và 1 trẻ ở tỉnh, trẻ tử vong do sởi đều có bệnh nền bẩm sinh.
Đáng lưu ý, 74% trẻ bị sởi đều chưa được tiêm chủng vắc xin sởi dù đã đủ tuổi.
Các quận, huyện có số trẻ mắc sởi cao nhất là huyện Bình Chánh với 136 ca, quận Bình Tân 123 ca, Hóc Môn 41 ca, TP Thủ Đức 33 ca…
PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Y tế thực hiện khẩn trương, làm tốt chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi bổ sung cho trẻ.
Vừa qua dịp nghỉ lễ, ngành y tế TP đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ, tuy nhiên số lượng còn thấp.
“Chúng tôi rất lo khi vừa qua các ngày nghỉ lễ Sở Y tế đã khởi động cho người dân biết để đi tiêm ngừa cho được gần 20.000 trẻ, nhưng số lượng rất thấp so với số trẻ được báo cáo”, ông Thượng thông tin.
Người đứng đầu ngành y tế TP mong muốn để công tác phòng chống dịch tốt hơn, tăng số lượng trẻ được tiêm sởi đầy đủ, giáo viên chủ nhiệm các lớp cần nhắc nhở phụ huynh đưa trẻ đi tiêm tại các cơ sở y tế theo đúng khuyến cáo ngành y tế.
Trẻ di biến động dân cư có nguy cơ mắc sởi cao
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - phó viện trưởng Viện Pasteur - cho rằng hiện nay có 6 quận, huyện vùng ven nổi bật có số ca sởi chiếm 73% trong tổng số ca sởi của TP gồm: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận 12, quận 7 và TP Thủ Đức.
Điều này cho thấy cần ưu tiên tập trung nguồn lực giải quyết những điểm nóng này, nơi có di biến động dân cư cao để hạn chế tốc độ lây lan của dịch sởi.
Bởi về cơ chế tiêm vắc xin sởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người tiếp xúc với ca bệnh sởi được tiêm vắc xin trong vòng ba ngày khả năng mắc sởi sẽ ít đi.
Nếu mắc sởi bệnh sẽ nhẹ hơn và ít bị biến chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ ít lây lan bệnh cho người khác.
“Giám sát của chúng tôi tại một xã khu vực phía Nam có dịch sởi xảy ra cho thấy 40% trẻ là tạm trú. Trong đó chỉ có 1/3 số trẻ tạm trú đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi. Điều này cho thấy trẻ di biến động dân cư là trẻ có nguy cơ mắc sởi cao”, ông Thượng nói.
Cũng theo ông Thượng, quan trọng là khẩn trương rà soát toàn bộ nhóm di biến động dân cư để tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là nhiệm vụ của chính quyền sở tại, trong đó có cộng tác viên y tế và những người khác để làm tốt công tác tiêm chủng.
Hệ thống giám sát bệnh tật trường học cần cảnh giác cao phòng chống dịch sởi
Ông Nguyễn Vũ Thượng đề nghị ưu tiên những quận, huyện là điểm nóng, có nguy cơ cao bùng dịch sởi để tập trung giải quyết tiêm vắc xin trước nhằm ngăn dịch lây lan mạnh.
Riêng với các trường học, hiện học sinh đã tựu trường, hệ thống giám sát dịch bệnh ở trường cần phải cảnh báo cao.
Những trường có trẻ mắc sởi cần ưu tiên tiêm vắc xin trước để tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, cần truyền thông tới người dân về các tác dụng phụ của vắc xin sởi, cách xử trí khi trẻ gặp tác dụng phụ để phụ huynh yên tâm cho con tiêm chủng cũng như xử trí kịp thời các trường hợp hiếm gặp bị tác dụng phụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận