Đại diện các doanh nghiệp vận tải ngồi trong hội trường của quận Hải An trưa 11-4 chờ để được gọi đến lượt lên làm thủ tục xin xác nhận của quận - Ảnh: TIẾN THẮNG
Mới ngày 8-4, ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ra văn bản chỉ đạo số 2574 về việc cấp giấy xác nhận cho từng phương tiện vận tải ra vào thành phố nhằm tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19 thì nay chỉ đạo tạm dừng việc này.
Chỉ đạo sau 'đá' chỉ đạo trước
Theo chỉ đạo tại công văn số 2574 ngày 8-4, kể từ 0h ngày 11-4, các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào thành phố Hải Phòng sẽ chỉ cho phép các xe vận tải của Hải Phòng ra vào khi có giấy xác nhận cho phương tiện ra vào mà thành phố đã quy định.
Cụ thể, để có được giấy chứng nhận này thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục xin xác nhận ở 3 cấp khác nhau, từ phường, quận cho đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố. Điều này dẫn tới việc hàng trăm doanh nghiệp vận tải trên địa bàn "trở tay không kịp" vì thời gian quá gấp.
Thực tế triển khai tại khu vực quận Hải An, sự quá tải hiển hiện khi hàng trăm người dân là đại diện của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đổ dồn về đây, chen nhau chờ xin cấp giấy xác nhận trong ngày 10-4, khiến việc phòng chống dịch COVID-19 không được đảm bảo.
Người dân vạ vật ngồi chờ bên ngoài hội trường UBND quận Hải An trong ngày 11-4 - Ảnh: TIẾN THẮNG
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ra thêm văn bản chỉ đạo "điều chỉnh" ngay trong chiều ngày 10-4, với nội dung kéo dài thêm thời gian việc cấp giấy xác nhận. Việc kiểm soát xe vận tải của Hải Phòng ra vào thành phố được thay đổi bắt đầu từ 0h ngày 12-4.
Tuy nhiên đến trưa 11-4, chủ tịch UBND TP Hải Phòng lại tiếp tục có thêm văn bản chỉ đạo khác, yêu cầu tạm dừng việc cấp giấy xác nhận cho các phương tiện vận tải ra vào thành phố và yêu cầu các chốt kiểm soát tại khu vực cửa ngõ ra vào thành phố không kiểm soát đối với xe chở hàng hóa.
Điều này khiến hàng trăm người dân và không ít những cán bộ công chức cật lực làm việc trong những ngày vừa qua bức xúc bởi những thay đổi chóng mặt trong việc điều hành phòng chống dịch của lãnh đạo thành phố.
Đừng để dân thành 'chuột bạch' của chỉ đạo
Nói về nỗi bức xúc của mình, ông Nguyễn Văn Hải (53 tuổi, trú tại quận Hải An, TP Hải Phòng), đại diện một doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng - chia sẻ đến giờ bản thân ông không còn muốn nói gì hơn bởi công sức chờ đợi, đi lại từ ngày hôm qua đến nay ngồi chờ đợi tới tận trưa để xin giấy xác nhận bỗng thành công cốc.
Bức xúc hơn là việc mang đến những bất tiện, thiệt thòi cho người dân như vậy nhưng không nhận được một lời xin lỗi chính thức nào từ UBND thành phố.
Theo ông Hải, với cách chỉ đạo điều hành như thế này thì người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay không khác gì những con "chuột bạch" để thử nghiệm chính sách, nếu thấy không ổn là lại thay thế.
"Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới lãnh đạo thành phố, tôi biết thành phố đang tập trung nhiệm vụ hàng đầu là chống dịch nhưng cũng cần phải nhớ là doanh nghiệp, người dân chúng tôi không phải "chuột bạch" để nay chỉ đạo làm thế này mai thay đổi thế kia" - ông Hải bức xúc.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, không chỉ những người dân doanh nghiệp bức xúc mà không ít cán bộ công chức làm nhiệm vụ thành phố triển khai cũng thấy mệt mỏi trước những thay đổi đột ngột của thành phố.
"Công sức thực hiện của cả trăm con người, các cấp khác nhau như vậy là đổ sông đổ bể. Thành phố cần đưa ra những chỉ đạo chặt chẽ, phải tính toán thật kỹ những phương án có thể xảy ra để khi đưa ra chỉ đạo phải thiết thực. Nếu cứ như thế này sẽ gây ức chế rất lớn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh họ cũng đang khó khăn sẵn vì dịch bệnh" - một cán bộ tại TP Hải Phòng chia sẻ.
Kê khai vào phiếu đăng ký để xin cấp giấy xác nhận - Ảnh: TIẾN THẮNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình - phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng, cho rằng bản thân lãnh đạo thành phố đang phải chịu áp lực rất lớn giữa nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế.
"Thành phố khi đưa ra chỉ đạo nào trong bối cảnh chống dịch hiện nay đều nhận thấy sẽ gây những khó khăn, bất tiện không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi xác định Hải Phòng là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn nhất phía Bắc, nếu không may để xảy ra dịch bệnh phải cách ly thành phố thì thiệt hại lúc đó là rất lớn.
Trong khi đó, thực tế là đội ngũ hơn chục ngàn lái xe tải đi khắp cả nước nhưng thành phố chưa kiểm soát được về mặt y tế chính là một lỗ hổng lớn về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố" - ông Bình nêu.
Ông Bình cũng khẳng định việc cấp giấy xác nhận không phải là giấy phép con mà phải hiểu bản chất là để thành phố thực hiện kiểm soát y tế đối với đội ngũ lái xe tải nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có) không chỉ trong thành phố mà còn là cả các tỉnh, thành khác.
"Mục tiêu thành phố đặt ra là đội ngũ lái xe tải hiện nay cần phải ở tập trung để kiểm soát y tế, tạm thời trong thời gian giãn cách xã hội thì không nên về nhà để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu có. Để làm được việc này thì thành phố áp dụng biện pháp cấp giấy xác nhận để xác định rõ người và phương tiện vận tải" - ông Bình nêu.
Sau các thủ tục xác nhận của phường và quận, người dân sẽ tiếp tục chờ để lấy giấy xác nhận từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố - Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, ngoài những thay đổi trong chỉ đạo việc cấp giấy xác nhận nói trên, UBND TP Hải Phòng trước đó cũng đã có thay đổi khác trong việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, tại văn bản chỉ đạo số 2496 ngày 6-4, thành phố điều chỉnh nội dung từ yêu cầu người cách ly tập trung đến từ các tỉnh, thành trong vùng dịch (không thuộc trường hợp đặc biệt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng) phải tự chi trả chi phí cách ly thành việc thành phố sẽ chi trả chi phí phục vụ cách ly tập trung theo quy định (người cách ly không phải trả tiền).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận