Tuy nhiên, thảm hoạ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ (Hà Nội) khiến nhiều người giật mình về tính toàn của loại hình nhà ở này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Anh, vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng - người “chắp bút” cho những quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở - đã đưa ra loạt giải pháp để người dân có thể sống an toàn trong các chung cư mini.
* Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất trong việc khắc phục tình trạng mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) của các chung cư mini hiện nay?
- Để khắc phục tình trạng mất an toàn PCCC cho các công trình hiện hữu nói chung, nhà ở riêng lẻ nhiều căn hộ hay còn gọi là "chung cư mini" nói riêng là việc làm rất khó.
Các giải pháp PCCC cho công trình xây dựng phải được thiết kế ngay từ ban đầu, bây giờ công trình xây rồi, đập phá hoặc cải tạo để khắc phục là bài toán phức tạp.
Trong đó, theo tôi có hai khó khăn lớn nhất:
Thứ nhất là lối thoát nạn. Hầu hết đất xây chung cư mini có diện tích nhỏ, thông thường chỉ có một đến hai mặt thoáng, chủ đầu tư tận dụng hết đất và không gian nên khó bố trí khoảng trống để có thêm thang thoát nạn thứ hai ngoài nhà.
Trường hợp còn lại thì thang thoát nạn trong nhà phải được đặt trong buồng thang kín (đảm bảo không nhiễm khói) cũng không thể làm được vì không còn không gian.
Đa phần các chung cư mini đều bố trí hành lang cụt, cuối hành lang là các căn hộ, nên cũng không đảm bảo tất cả các căn hộ trên cùng tầng có thể tiếp cận được không gian ngoài nhà để thoát bằng cầu thang ngoài nhà hoặc lối thoát nạn khẩn cấp.
Thứ hai chung cư mini đa phần được xây trong các ngõ ngách, hẻm có bề rộng chỉ 2 - 3m, hạ tầng PCCC không đảm bảo, đường không đủ rộng cho xe chữa cháy và xe cứu nạn cứu hộ vào chữa cháy và cứu người trên các tầng cao bằng thang. Hai điều này khác hẳn quy chuẩn an toàn.
* Thực tế có cái khó như ông nói. Vậy lúc này các địa phương có thể làm gì để bảo đảm an toàn cho người dân sống trong chung cư mini?
- Để bảo đảm an toàn cho người dân sống trong chung cư mini cần tuyên truyền phổ biến cho người dân những nguyên tắc an toàn PCCC. Đối với trang bị cá nhân mỗi gia đình cần trang bị đèn pin, găng tay, mặt nạ chống khói, bình chữa cháy.
Đối với các gia đình thì những căn hộ chung cư đã làm "chuồng cọp" cần dỡ bỏ để tạo mặt thoáng để có thể thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Cửa ra vào các căn hộ, cửa sổ mở ra hành lang các tòa nhà chung cư mini nếu bị hở thì cần được sửa chữa đảm bảo khít, kín để khói không xâm nhập được vào các căn hộ. Người dân sửa chữa lại và trang bị được cửa chống cháy là tốt nhất.
Việc bố trí bếp trong các căn hộ cũng phải bảo đảm an toàn, giảm tối đa nguy cơ gây cháy nổ.
Tổng thể chung của các tòa chung cư mini cần tăng cường hệ thống báo cháy, báo khói để cảnh báo kịp thời nguy cơ sự cố. Khu vực cầu thang bộ trong các tòa chung cư mini cần lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sự cố tầm thấp để khi mất điện, người dân vẫn có thể nhìn rõ cầu thang để thoát hiểm.
Lắp đặt bổ sung thang thoát nạn ngoài nhà, có thể là thang dây, thang sắt. Thang dây thì các hộ gia đình có thể tự trang bị. Còn lắp đặt thang sắt thoát hiểm ngoài nhà thì các hộ dân sống trong cùng tòa chung cư phải cùng tổ chức lắp đặt, gắn cố định vào tường phía ngoài tòa nhà.
Từ hành lang chung cư, từ ban công, lô gia của các căn hộ, người dân có thể thoát hiểm qua thang bộ ngoài tòa nhà khi cần thiết.
* Nhưng cũng như ông đã nói, hết đất rồi thì làm thang ngoài trời thế nào?
- Hiện giờ nếu lắp thêm thang sắt thoát hiểm ngoài tòa nhà sẽ lấn chiếm, thò ra không gian công cộng nên chính quyền địa phương phải hướng dẫn, tạo điều kiện để cư dân có thể lắp đặt.
Việc lắp đặt thang bộ thoát nạn ngoài nhà sẽ lấn vào không gian công cộng nên chỉ lắp đặt cố định từ tầng 2 trở lên.
Còn phần thang thoát nạn từ tầng 1 đến tầng 2 thì phải thiết kế cơ động để khi cần thì hạ xuống mặt đất, khi không cần thiết thì thu gọn lại để trả lại không gian lưu thông trong các ngõ nhỏ.
Bên cạnh đó, vì các công trình chung cư mini nằm trong ngõ nhỏ nên địa phương cần ưu tiên nguồn ngân sách để xây dựng, triển khai quy hoạch PCCC theo quy định, chi tiết từ cấp phường, tổ dân phố như bố trí các họng nước cứu hỏa tại các hẻm, ngõ, ngách mà xe cứu hỏa không vào được.
* Trường hợp các địa phương yêu cầu lắp thang thoát hiểm ngoài tòa nhà chung cư nhưng chủ nhà không thực hiện thì có cách nào xử lý không?
- Việc lắp đặt thang bộ thoát hiểm ngoài nhà là vì sự an toàn của chính người dân. Vì thế ban quản lý, các tổ dân phố, chính quyền địa phương phải vận động cư dân cùng lắp đặt.
Ở đâu cũng có quy định, nếu đa phần các hộ dân đồng ý thì số ít phải phục tùng, còn trường hợp bắt buộc phải lắp đặt theo quy định thì các hộ cố tình không thực hiện sẽ phải cưỡng chế, bắt buộc họ lắp đặt theo quy định.
Tại Hà Nội đang có tổ liên gia về PCCC, theo đó các mô hình về báo cháy, chữa cháy liên gia đang phát huy hiệu quả. Một nhà không may xảy ra cháy thì hệ thống báo cháy liên gia sẽ cảnh báo cả các nhà xung quanh để cùng tham gia PCCC.
Đối với việc quản lý việc lắp đặt thang bộ thoát hiểm cho các tòa nhà chung cư mini, nhà ở riêng lẻ nhiều căn hộ tại đô thị cần có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Trước mắt đây là công trình tạm, không vướng gì, không gây nguy hại cho công trình, không ngăn cản giao thông, lại bảo đảm an toàn cho người dân nên có thể thực hiện ngay.
Đây là giải pháp tạm thời, bộ sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện nhưng thực tế cho thấy có chỗ làm được, có chỗ sẽ không làm được thang bộ thoát nạn ngoài nhà. Giải pháp căn cơ, lâu dài là vẫn phải lập lại trật tự quản lý đô thị.
* Sau thảm họa cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, ông có cho rằng các địa phương có nên tập huấn kỹ năng PCCC, thoát hiểm cho người dân ở chung cư mini?
- Tập huấn, diễn tập PCCC cho cư dân sống trong chung cư là quy định nên có, vấn đề là các địa phương, ban quản trị nhà chúng cư, người dân cần có ý thức diễn tập để có kỹ năng dập lửa, thoát nạn khi có đám cháy xảy ra.
Tôi cho rằng với người dân sống trong chung cư mini thì ít nhất một năm phải được diễn tập một lần để nắm được nguyên tắc thoát nạn khi cần thiết.
Công an PCCC sẽ hướng dẫn về kỹ thuật
Anh Đình Ngọc, quản lý chung cư mini tại TP.HCM, cho hay sau khi đoàn công tác kiểm tra đã chỉ ra các thiếu sót và yêu cầu chung cư làm thêm cửa đóng kín buồng thang bằng vật liệu chống cháy ở các tầng ngăn khói lan vào và lắp thêm cầu thang bên ngoài để làm lối thoát hiểm thứ hai.
Anh Ngọc nói sẵn sàng chấp hành để chung cư mini tiếp tục được vận hành và bảo đảm an toàn cho những người ở tại đây.
"Tôi mong được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể về thủ tục liên quan cũng như kỹ thuật để tôi sớm khắc phục chính xác, đầy đủ các thiếu sót. Trước mắt, tôi sẽ nhờ các cán bộ cảnh sát PCCC hướng dẫn nơi uy tín để đặt thiết kế hai hạng mục này.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, cục phó Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), cho hay thực hiện công điện 825 của Thủ tướng, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương chủ trì lập các đoàn liên ngành gồm công an, xây dựng, điện lực, môi trường để đi kiểm tra, đánh giá các chung cư mini và dạng công trình tương tự để tăng cường giải pháp PCCC cho các tòa nhà, giảm nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Theo đó, Cơ quan cảnh sát PCCC&CNCH sẽ hướng dẫn người dân, chủ đầu tư chung cư mini lắp thang thoát hiểm ngoài trời thế nào cho đúng, kích thước thang thoát hiểm, khoảng cách giữa các bậc bảo đảm khả năng thoát nạn được khi xảy ra sự cố.
Còn việc có được lắp thang bộ ngoài trời hay không sẽ liên quan tới lực lượng quản lý trật tự đô thị các thành phố vì lực lượng quản lý trật tự đô thị chịu trách nhiệm quản lý về trật tự đô thị, mỹ quan xây dựng.
Chung cư dù là mini vẫn cần đủ tiện ích
Tiện ích đó phải bao gồm cả an toàn về phòng chống cháy nổ.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng về xu thế thì người dân phải được ở những căn nhà rộng rãi hơn, an toàn hơn, tốt hơn. Tuy nhiên chung cư mini là giải pháp tình thế và có thể sẽ còn kéo dài hàng chục năm. Vì vậy, cần đối xử công bằng, quản lý mô hình này để nó an toàn và cung cấp các tiện ích cho người sử dụng.
Đồng tình, thạc sĩ Nguyễn Nhật Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng sau khi rà soát, trên cơ sở đó đánh giá mức độ an toàn (bao gồm cả an toàn kết cấu công trình và cả an toàn PCCC), có thể phân loại thành ba nhóm công trình.
Ngoài nhóm công trình mới, đáp ứng các điều kiện an toàn thì vẫn cho hoạt động, nhóm công trình chưa/thiếu biện pháp PCCC có thể bổ sung thì yêu cầu bổ sung ngay và kiểm tra đáp ứng rồi thì cho tiếp tục hoạt động. Còn lại, nhóm không bảo đảm an toàn, không thể cải tạo thì kiên quyết xử lý buộc ngừng hoạt động.
"Các công trình này có mục đích là nhà ở riêng lẻ. Nhưng chủ công trình biến thành chung cư mini, cho thuê trọ như vậy là đã thay đổi mục đích sử dụng công trình sang kinh doanh lưu trú. Như vậy công trình nào không bảo đảm điều kiện kinh doanh lưu trú thì cơ quan chức năng căn cứ vào đó xử lý", ông Khanh gợi ý.
Ngoài ra, theo ông Khanh, để tránh việc công trình xây dựng nhà ở bị biến thành chung cư mini vô tội vạ thì trong thời gian tới cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chặt, xử lý nghiêm vi phạm thông qua công tác nghiệm thu hoàn công và hậu kiểm công trình.
"Thông thường, chủ công trình sẽ hoàn công xong nhà ở mới lén cải tạo thành chung cư mini. Nhưng cơ quan quản lý của địa phương đều phải nắm biết được khi công trình vẫn còn các hoạt động xây dựng hoàn thiện. Hoặc cảnh sát khu vực đều nắm biết được công trình kinh doanh lưu trú thông qua việc quản lý số lượng người đăng lý cư trú...", ông Khanh nói.
Hết đất để làm cầu thang thứ 2
Trong đợt kiểm tra tại TP.HCM ghi nhận nhiều "chung cư mini" khá cũ, diện tích khá nhỏ ở tại các hẻm, đường nhỏ, phục vụ sinh viên, người lao động.
Điển hình như công trình trên đường số 5, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, công trình gồm 1 tầng để xe và 3 tầng để ở trên diện tích đất khá nhỏ của nhà ở. Mỗi tầng có 3 căn hộ, đủ cho 2 - 3 người ở. Trong căn hộ có chỗ để bếp nấu ăn, nhà vệ sinh... khép kín.
Do kiểu thiết kế nhà hộp nên chỉ có cầu thang để đi lên các tầng trong nhà. Theo quan sát gần như không thể bố trí lắp thêm cầu thang thoát hiểm bên trong hay bên ngoài công trình.
"Ở đây lối vào tầng trệt để xe rất chật hẹp, nhất là buổi chiều tối mọi người đi làm, đi học về. Ở các tầng không có bình chữa cháy, không có hệ thống báo cháy cũng như thang thoát hiểm khác. Nếu chẳng may xảy ra cháy thì chúng tôi chỉ có nước mở cửa sổ phòng rồi nhảy ra ngoài thôi. Ở đây cũng thấy sợ rủi ro khi cháy nhưng được cái là gần các trường đại học nên tôi thuê ở...", N.L.P., một sinh viên ở đây, nói.
Tương tự, một "chung cư mini" 4 tầng trên đường số 6 (phường 7, quận Gò Vấp) được chủ công trình lắp thêm đèn thắp sáng khi có sự cố, chuông báo cháy... sau vụ cháy chung cư ở Hà Nội. Tuy nhiên công trình này cũng là nhà phố, hai mặt giáp nhà, hai mặt giáp đường và hẻm (rộng khoảng 2m).
Theo quan sát, chung cư mini này đã xây dựng hết mật độ, giáp lộ giới nên gần như không thể lắp thêm cầu thang đủ an toàn để thoát nạn.
Đã là chung cư phải tuân thủ quy định PCCC
Bộ Xây dựng cho biết các chung cư mini phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật giống như công trình chung cư thông thường. Nếu các địa phương quản lý tốt thì điều đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Theo đó, các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) là QCVN 03:2012/BXD năm 2012, QCVN 03:2022/BXD năm 2022 về phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng, chung cư mini phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật giống như công trình chung cư thông thường
Đối với công tác quản lý các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các địa phương cần đưa ra các quy định về quản lý kinh doanh, sử dụng các loại hình công trình này phù hợp pháp luật và thực tiễn diễn ra tại các địa phương.
Thang thoát hiểm, kiến trúc đặc trưng của New York
Thang thoát hiểm bên ngoài các tòa nhà là nét kiến trúc đặc trưng tại các TP ở Mỹ, khởi nguồn từ TP New York vào những năm 1860. Bất chấp lo ngại của các chủ nhà vì sợ làm giảm giá trị của tòa nhà hay tạo lối xâm nhập vào bên trong, chính quyền quyết định áp dụng quy định này.
New York đặt ra nhiều quy định cụ thể về việc xây lối thoát hiểm và hình phạt cho việc chặn các lối đi này. Theo đó, các thang thoát hiểm phải xây bằng vật liệu chống cháy, có tay vịn và chịu một lực nhất định. Thang thoát hiểm của các tòa nhà từ sáu tầng trở lên phải được kiểm tra mỗi 5 năm.
Tuy nhiên, từ năm 1968, việc xây thang thoát hiểm bên ngoài không còn bắt buộc do New York thay đổi luật. Thay vào đó, các tòa nhà mới xây phải có lối thoát bằng thang bộ bên trong và hệ thống báo cháy, phun nước. Các tòa nhà xây trước mốc này có thể bỏ thang thoát hiểm bên ngoài nhưng phải chứng minh được rằng có lối thoát hiểm bên trong.
Trong khi đó, tại Anh, chính quyền mới đây cho biết sẽ buộc các tòa nhà cao tầng trên 18m (khoảng bảy tầng) phải có ít nhất hai cầu thang. Quy định được đưa ra sau vụ cháy tòa nhà Grenfell Tower năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận