Tác nhân gây bệnh là do Streptococcus suis (S.suis) gây ra ở lợn và có khả năng lây lan sang người. S.suis là một liên cầu, cư trú trong đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân, cũng có thể ở đường tiêu hóa, đường sinh dục của lợn. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Bệnh có thể lây từ lợn sang người và gây tử vong.
Nguyên nhân nhiễm bệnh chủ yếu là do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn, nhiều trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguyên nhân do vi khuẩn này đã lan ra môi trường và xâm nhập nhiều loại thực phẩm khác.
Đường lây bệnh
Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn lây lan sang người theo một trong các cách sau:
- Từ đường ăn uống: Khi ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem, cháo lòng lợn bị bệnh liên cầu…, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn.
- Đường tiếp xúc, giết mổ, chăm sóc: Những người có các vết thương, sây sát ở da nhưng lại tiếp xúc với máu, dịch tiết… của lợn bị bệnh liên cầu khi chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu lợn bệnh.
Trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25 độ C, vi khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân). Vi khuẩn cũng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương rách da nhỏ, vết trầy xước, lở niêm mạc chân răng… hoặc tiếp xúc với con lợn nhiễm bệnh khi chăm sóc, giết mổ, chế biến mà bị xây xước chân tay.
Bình thường loại vi khuẩn này có sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, sinh dục của lợn. Khi lợn mắc bệnh, nhất là bệnh tai xanh, hệ miễn dịch suy giảm và đây là dịp cho loại vi khuẩn này có cơ hội phát triển mạnh. Người tiếp xúc trực tiếp lợn bệnh sẽ bị lây qua các vết thương trên.
- Đường hô hấp: Người cũng có thể bị bệnh do lây qua đường hô hấp khi hít phải liên cầu khuẩn có trong không khí do lợn bệnh ho, hắt hơi bắn ra.
Triệu chứng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người
Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa tạng phủ. Nếu nhập viện muộn thì cơ hội cứu chữa thấp.
Vi khuẩn liên cầu lợn tấn công người sẽ gây biểu hiện ban đầu là sốt rất cao (lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt rất cao, trên 39 độ C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, sau đó tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê, sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất hiện các ban hoại tử trên da (xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc, hay lốm đốm).
Một số bệnh nhân có dấu hiệu phát ban trên da, sau 5 ngày ban không những không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi. Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não như nhức đầu, buồn nôn, nôn vọt, cứng cổ, sốt cao... viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng.
Ngoài ra có thể có biểu hiện nhiễm trùng huyết: sốt cao, da xanh, mệt mỏi, phờ phạc, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi...; sốc do nhiễm độc, xuất huyết dưới da...
Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ khả quan, nhưng nếu phát hiện muộn bệnh nhân có thể bị phù não, để lại các di chứng nặng như động kinh và có thể tử vong.
Phòng tránh bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người
Để phòng tránh được bệnh liên cầu khuẩn lợn, người tiếp xúc với lợn, nhất là lợn bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân (trang bị bảo hộ lao động, rửa tay chân sau khi tiếp xúc...). Khi tiêu hủy lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ. Đặc biệt, những người có vết thương hở, bệnh ngoài da không nên tiếp xúc với lợn hoặc tham gia giết mổ, chế biến.
Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy, rõ nguồn gốc, có đóng dấu kiểm dịch. Thịt lợn phải được nấu chín trước khi sử dụng, tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi thịt lợn, thịt lợn nhiễm bệnh, thịt lợn hoặc nội tạng lợn chưa nấu chín. Sau khi dùng thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần nhập viện ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận