“Chả lẽ lại có thứ bệnh cấm không cho mình đi nữa?”, bạn lo lắng tới gặp bác sĩ xương khớp. Bác sĩ kéo căng bàn chân bạn, ấn vào gan bàn chân một phát khiến bạn “ối giời ơi”, cái đau nó thấm vào đến tim gan, phèo phổi. Chụp X-quang xong, bạn được bác sĩ phán: “Cô bị gai gót chân”. Trời đất thiên địa ơi, gót chân tui làm sao mọc gai được? Nhiều người đã từng tái xanh tái tử khi gặp bệnh cảnh như vậy.
Từ gân biến thành gai
Bạn bước đi, bạn nhún nhảy, bạn nhảy cao, nhảy xa rồi rơi cái “huỵch” xuống đất, chả ai thắc mắc là sao không bị đau chân. Đó là do dưới lòng bàn chân của chúng ta có một màng gân lót (plantar fascia còn gọi là cân), nó bám vào xương gót chạy dọc bàn rồi xoè ra như nam quạt đến từng ngón. Đặc điểm của gân này là có khả năng co giãn như lò xo nâng đỡ hệ thống cơ xương của bàn chân.
Rồi sao “gân” biến thành “gai”? Dù chúng là một tấm đệm có lò xo đi chăng nữa thì cũng chỉ chịu được sự kéo căng đến một giới hạn nhất định. Nếu bạn có cân nặng nằm trong giới hạn cho phép, gân bàn chân không bị quá tải. Nhưng khi trọng lượng tăng thêm 20%, toàn bộ xương khớp phần dưới cơ thể bị đè ép, khớp gối và gót chân đều đau. Diễn viên múa ballet dồn cả trọng lượng xuống ngón chân, không chỉ phần gân xoè như nan quạt mà toàn bộ gân đều bị kéo căng ra. Phụ nữ mang giày cao gót suốt ngày gân bàn chân cũng rơi vào tình trạng như vậy. Sau khi bị kéo căng sẽ có một vài chỗ ở vùng gót bị rách màng gân. Thế là bạch cầu kéo nhau tới tạo ra phản ứng viêm. Viêm sẽ sinh ra tổ chức xơ làm độ chun giãn của gân giảm hẳn đi, lâu ngày nơi viêm bị chai cứng lại. Đó là “gai”.
Có người “gai” làm cho mỗi bước đi đều đau, người khác gai mọc “khéo” chả đụng vào thần kinh nên chỉ khi chụp phim mới tá hoả là “cái gai” đã “nằm vùng” từ khi nào.
Ai dễ bị gai gót chân?
Nhìn chung người nào cũng có thể bị gai gót. Trẻ như diễn viên múa, vận động viên chạy marathon, phụ nữ mang thai, người béo phì và đặc biệt phụ nữ từ 40 tuổi trở lên khi sụn khớp bắt đầu thoái hóa, xương mất canxi, gân cơ không còn nâng đỡ dẻo dai, co giãn mềm mại như trước nữa rất dễ bị gai gót chân. Tuy nhiên bạn không đợi xuất hiện lần đau đầu tiên mà phải có những biện pháp phòng chống nó, đừng để gót mọc gai rồi mới chữa trị.
Phòng bệnh trước khi chữa
Diễn viên múa, giáo viên mang giày không có tấm lót mềm, công nhân làm việc tư thế đứng, vận động viên chạy đường dài… sau một buổi tập hoặc làm việc, tốt nhất là làm động tác kéo giãn bàn chân như sau: Đặt bàn chân này trên bàn chân kia, dùng tay nắm kéo các ngón khiến lòng bàn chân căng ra. Giữ yên trong khoảng 8-10 giây( đếm 1,2,3….10) rồi thả tay ra. Mỗi chân làm 10 lần như vậy. Có thể xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu bàn chân để nơi đây máu huyết lưu thông tốt hơn.
Khi chân bị đau việc đầu tiên là xem lại giày: đế có cứng quá không, giày cao thì mang đôi thấp hơn. Nếu trọng lượng cơ thể đang ở mức thừa cân, béo phì thì phải đi bộ, giảm ăn để “giảm tải” cho chân. Phụ nữ từ 35 tuổi nên đo loãng xương và chụp xem có bị thoái hóa khớp không? Tìm ra nguyên nhân thì chữa nguyên nhân trước. Để giảm đau, bạn lấy đá trong tủ lạnh, cho vào một miếng vải chườm trong 10-15 phút, ngày làm 3 lần.
Đau nhiều có thể dùng băng thun cố định vùng bàn và gót chân lại, để qua đêm.
Khi không tự giải quyết được thì bạn hãy tới gặp bác sĩ để được dùng thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận