16/03/2018 15:03 GMT+7

Phòng bệnh cúm thông thường

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Cúm là một bệnh truyền nhiễm gây dịch thường được lây truyền qua đường hô hấp do virus cúm Influenzae gây ra.

Phòng bệnh cúm thông thường - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Ảnh: libyanexpress.com

Hiện nay ngoài bệnh cúm lợn A/H1N1, cúm gia cầm A/H5N1 và A/H7N9 từ động vật lây sang người, hàng năm với điều kiện thuận lợi, bệnh cúm thông thường có thể phát triển trong mùa bệnh và tấn công con người cũng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, vì vậy mọi người cần quan tâm đến việc phòng ngừa.

Đặc điểm bệnh cúm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm gây dịch thường được lây truyền qua đường hô hấp do virus cúm Influenzae gây ra. Loại virus này có khả năng đột biến cao nhưng thực tế trong hầu hết các vụ dịch lớn nhỏ, virus cúm type A và type B là tác nhân gây bệnh chính.

Các nhà khoa học đã tổng hợp ghi nhận type cúm A có thể gây đại dịch liên lục địa, type cúm B gây dịch khu trú trên một lục địa và type cúm C gây dịch trong một phạm vi hẹp hơn. Bệnh cúm khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt, nhức mỏi chân tay, đau khắp thân mình; đau họng, sổ mũi, ho khan; sau 48 giờ bệnh nhân có cảm giác rất mệt mỏi. 

Bệnh có thể tự khỏi sau từ 4 đến 5 ngày hoặc 7 ngày tùy theo trường hợp. Người bệnh vẫn còn triệu chứng ho, mệt có thể kéo dài đến 2 tuần. Người già, trẻ em, người có bệnh phổi mãn tính; bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận dễ bị bội nhiễm vi khuẩn; trong đó có thể gây viêm phổi nặng hoặc thể cúm ác tính dẫn đến suy hô hấp.

Thể cúm bị bội nhiễm rất hay gặp do virus cúm làm suy giảm sức chống đỡ của các tế bào miễn dịch ở phổi gây nên triệu chứng ho có đờm; lúc đầu đờm có màu trắng, loãng nhưng sau đó có màu vàng, màu xanh. Đối với trẻ em thường kèm theo viêm xoang, viêm tai, viêm thanh quản. Thể cúm ác tính ít gặp hơn nhưng có nguy cơ tử vong cao. 

Trong ngày thứ nhất và ngày thứ hai, triệu chứng bệnh cúm xảy ra như thể cúm thông thường nhưng sau đó đột ngột xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp cấp tính; người bệnh bị phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm gan hoại tử, suy thận cấp, viêm não-màng não.

Điều trị

Điều trị bệnh cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng, đồng thời phải theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để đề phòng trường hợp thể cúm ác tính có thể xảy ra. Thông thường việc điều trị triệu chứng hay dùng các thuốc giảm sốt như paracetamol, thuốc giảm ho như terpin codein, vitamin hỗ trợ như vitamin C, vitamin B...

Việc dùng thuốc kháng sinh cần chú ý trong các trường hợp đặc biệt quan trọng khi bệnh nhân có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn. Nên dùng các loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng và có thể dùng hai loại kháng sinh phối hợp. Cần chú ý nên dùng thuốc kháng sinh sớm đối với những bệnh nhân lớn tuổi.

Người có bệnh phổi hay bệnh phế quản mạn tính phải được điều trị tại bệnh viện để theo dõi, xử trí biến chứng kịp thời, không được điều trị ngoại trú. Việc phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất là hàng năm nên tiêm vaccine phòng bệnh cúm.

Phòng bệnh bằng vaccine

Ngoài các biện pháp giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, việc phòng bệnh cúm cũng được thực hiện bằng tiêm chủng vaccine. Vaccine cúm thường có hiệu lực bảo vệ khoảng 70% trong thời gian 1 năm và được chỉ định sử dụng cho những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi, thận hoặc rối loạn chuyển hóa; những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có tím tái; người lớn và trẻ em đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch; những người đang làm các dịch vụ chăm sóc tại nhà; những người đang chăm sóc cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

Vaccine cúm được sử dụng để phòng ngừa bệnh cúm hàng năm bằng cách tiêm bắp thịt hoặc tiêm sâu dưới da, tốt nhất là nên tiêm phòng vào mùa thu. Đối với những người khỏe mạnh, chỉ cần tiêm một liều vaccine duy nhất. Đối với những người bị suy giảm miễn dịch, tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Việc sử dụng vaccine cúm bất hoạt cho những người dễ bị cảm nhiễm rất quan trọng và hầu như những người được tiêm vaccine đều được phòng vệ tốt, tránh được sự mắc bệnh.

Chú ý khi sử dụng vaccine cúm tiêm phòng có thể gây nên một số tác dụng phụ như sưng đau chỗ tiêm. Triệu chứng sốt, mệt, đau cơ gọi là hội chứng giả cúm ít khi xảy ra; hội chứng này có thể xuất hiện vài giờ sau khi tiêm vaccine nhất là ở trẻ em và thường kéo dài khoảng vài ngày mới khỏi. 

Các phản ứng tức thì như nổi mề đay, phù mạch, hen phế quản hoặc sốc phản vệ rất hiếm gặp; tuy nhiên cần thận trọng khi tiêm cho những người có cơ địa dị ứng. Vaccine cúm được chống chỉ định dùng cho những người có tiền sử dị ứng với trứng, người đang bị sốt và phụ nữ có thai.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên