Ảnh minh họa. Nguồn: twitter.com
Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc bệnh về đường hô hấp gia tăng như viêm họng, viêm phế quản…
Các bệnh thường gặp khi giao mùa như:
Viêm họng cấp tính: Là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng cấp dễ dàng xuất hiện. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác sẵn có ở họng) hay vi rút cúm, sởi..
Biểu hiện thường thấy như: Bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao 39 - 40 độ C, nuốt đau, rát họng dần dần có cảm giác đau rát, tăng lên khi nuốt, khi ho và khi nói, đau lên tai và đau nhói khi nuốt. Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, hạch cổ sưng..
Viêm phế quản: Trẻ bị viêm phế quản là do thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp. Vi rút, vi khuẩn là thủ phạm chính gây nên các chứng bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ như cảm lạnh, ho, cúm hay viêm VA. Sau đó, nếu không được điều trị kịp thời có thể trẻ bị bệnh viêm phế quản, phế quản phế viêm…, điều này rất nguy hiểm.
Cúm: Trẻ em mắc căn bệnh này nhiều do sức đề kháng chưa hoàn thiện khiến vi rút cúm dễ dàng gây bệnh. Bệnh lý sẽ phát triển khi có 3 yếu tố tham gia là mầm bệnh, số lượng mầm bệnh và sức đề kháng cơ thể. Trong cúm, mầm bệnh là các vi rút cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày, đặc tính vi rút là sinh sôi nảy nở nhanh nên có số lượng ồ ạt tấn công cơ thể, nhất là những trẻ có hệ miễn dịch yếu. Triệu chứng thường thấy như sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà thời gian bệnh kéo dài hay rút ngắn, giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn.
Cha mẹ không nên xem nhẹ căn bệnh này và quan tâm đúng mức sức khỏe của trẻ, cần thiết phải cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng như sốt cao, trẻ li bì, ho nặng tiếng.
Phòng bệnh cho bé khi thời tiết giao mùa
Cần giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá. Cho trẻ uống nước ấm, tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng, vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch. Tiêm phòng vắc xin để phòng chống bệnh dịch cho trẻ. Một điều các bậc cha mẹ cần lưu ý là trẻ em < 2 tuổi và trẻ sơ sinh khi mắc hoặc bị bệnh thì diễn biến nhanh, nặng và khó lường... Do đó, nếu những bệnh lý chung và bệnh đường hô hấp không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng cũng như sức khỏe của trẻ./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận