Gạo lứt được bày bán tại một đại lý gạo ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Chị Lan Hương, một người sử dụng gạo lứt, kể: “Tôi dùng gạo lứt chung với muối mè. Ngày nào tôi cũng ăn 2 bữa: sáng một bữa (ăn không, không kèm thức ăn), trưa một bữa (kèm thức ăn bình thường).
Tôi mới sinh con được 11 tháng. Ăn được một thời gian tôi giảm được 8kg. Các triệu chứng nhức mỏi khớp và dị ứng gần như không còn”.
Còn bà Trần Thị Bé (65 tuổi) bị đái tháo đường, cao huyết áp và thừa cân. Lo sợ bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim, bà tập ăn gạo lứt muối mè hằng ngày.
Bà thay hẳn gạo trắng bằng gạo lứt trong mỗi bữa ăn. Bà nói không biết bệnh có đỡ không nhưng thấy cơ thể nhẹ nhàng và tâm lý yên tâm hơn, cảm nhận trong người khỏe hơn.
Đa dạng gạo lứt
Thực dưỡng với gạo lứt muối mè được mọi người biết đến khá lâu. Nhiều gia đình dùng hẳn các loại gạo này để ăn hằng ngày.
Gạo lứt được giới thiệu với các công dụng phòng được nhiều loại bệnh, từ khớp, đái tháo đường, suy thận, mờ mắt, gan nhiễm mỡ... cho đến ung thư các loại.
Phổ biến là gạo lứt đỏ (loại gạo trắng thông thường nhưng chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa xát bỏ lớp cám gạo), được bán với giá khoảng 25.000 đồng/ký.
Cùng với gạo lứt đỏ, hiện nay có rất nhiều loại gạo lứt khác như gạo lứt tím, gạo lứt huyết rồng, gạo lứt đen...
Tại đại lý chuyên bán gạo lứt tím than (còn gọi là huyền mễ) trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM), gạo được đóng thành từng gói 2kg, hút chân không để bảo quản được lâu, chống mối mọt. Giá bán là 34.000 đồng/kg.
Người bán cho biết gạo này nấu lên sẽ mềm cơm, dẻo, không khô và khó ăn như gạo lứt thường.
Gạo lứt tím than có nguồn gốc từ Sóc Trăng, nhiều chất dinh dưỡng, phòng chống bệnh đái tháo đường, ung thư, cao huyết áp, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Sản phẩm này là của một công ty lương thực lớn.
Gạo lứt huyết rồng được giới thiệu là gạo mang lại hiệu quả cao trong phòng bệnh, đặc biệt là thải độc tố bên trong cơ thể.
Đây là loại gạo hạt màu đỏ (không chỉ lớp vỏ như các loại gạo lứt thông thường), được bán với giá từ 30.000 đồng/kg.
Gạo mầm cũng được nhiều người quan tâm và tìm mua. Một cơ sở bán gạo mầm ở Q.8 (TP.HCM) bán gạo mầm với giá gần 80.000 đồng/kg. Gạo mầm được giới thiệu rất tốt cho người bị bệnh đái tháo đường.
Tốt cho bệnh tim mạch, đái tháo đường
Theo thạc sĩ Nguyễn Đặng Mỹ Duyên, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, gạo lứt là gạo chỉ xay lớp vỏ trấu chứ không bỏ mầm và cám của hạt gạo bên trong.
Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có nhiều điểm khác so với gạo xát trắng bình thường. Trong gạo lứt, hàm lượng chất xơ cao hơn 3 lần so với gạo thường.
Tổng hàm lượng chất béo cao hơn rất nhiều so với gạo đã xát, do trong cám và phôi chứa một lượng lipid lớn và lượng lipid không bị mất đi trong quá trình xát trắng gạo.
Chất khoáng, các loại vitamin trong gạo lứt cũng cao hơn nhiều, đặc biệt là các chất photpho, magie, kali và các vitamin nhóm B.
“Trong cám gạo chứa một lượng lớn các chất có hoạt tính sinh học như chất xơ hòa tan, tocopherol, gamma - oryzanol, phytic acid và các chất phenolic, trong đó gamma - oryzanol có tác dụng làm giảm LDL - cholesterol trong máu, nên rất tốt đối với người bị bệnh tim mạch” - thạc sĩ Duyên lý giải.
TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), cũng cho biết gạo lứt có nhiều sinh tố, chất khoáng và đặc biệt là chất xơ. Khi ăn, ít làm tăng đường huyết nên tốt cho người bị bệnh đái tháo đường cũng như người béo phì.
Người béo phì khi ăn gạo lứt có thể giảm cân vì gạo lứt cứng, không ăn được nhiều như gạo thường.
Do ít gây tăng đường huyết, nhiều chất xơ, gạo lứt có thể ngừa được các bệnh về tim mạch, ung thư đại tràng, có thể tăng hấp thu canxi từ thức ăn nên có thể ngừa loãng xương.
Theo TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai, người bình thường ăn gạo lứt cũng tốt, có thể ăn cơm gạo lứt thường xuyên thay cơm trắng. Nhưng nếu ăn hoàn toàn gạo lứt sẽ không ngon, có thể độn 1 phần gạo lứt với 3 phần gạo trắng sẽ dễ ăn hơn. Gạo lứt cần ngâm trước một đêm, trước khi nấu.
Nên nhận biết sự khác biệt giữa gạo huyết rồng và gạo lứt, bởi đều có màu đỏ. Gạo lứt có chỉ số đường thấp, phù hợp cho người bị đái tháo đường; còn gạo huyết rồng có chỉ số đường trung bình giống như gạo thường.
Bác sĩ Mai khuyên: “Một số người ăn theo phương pháp thực dưỡng, không ăn thịt, cá và chỉ ăn cơm gạo lứt và các sản phẩm khác từ gạo lứt như bột gạo lứt rang, gạo lứt muối mè... là không cân đối.
Nếu ăn chay, nên ăn gạo lứt với các sản phẩm từ đậu như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ hoặc từ sữa như sữa, phô mai, yaourt, váng sữa thì mới cân đối khẩu phần”.
Gạo mầm giàu hàm lượng gaba Thạc sĩ Nguyễn Đặng Mỹ Duyên cho biết gạo mầm là loại gạo được sản xuất bằng phương pháp ủ gạo trong nước ấm để phôi chuyển thành mầm gạo. Quá trình xử lý nhiệt ẩm hạt gạo tạo điều kiện cho sự hoạt động của các enzyme amylase có trong gạo, sự di chuyển của vitamin B, nhất là làm gia tăng sự hình thành chất axit gamma-aminobutyric acid (được viết tắt là gaba). Gạo mầm có đặc tính là cơm mềm, có vị ngọt nhẹ, dễ tiêu hóa hơn rất nhiều so với các loại gạo thông thường. Những người có hệ tiêu hóa yếu như trẻ em, người già hay người vừa khỏi bệnh, sử dụng gạo mầm sẽ dễ tiêu hóa hơn. Ngoài ra gạo mầm cũng giàu vitamin B và vitamin E hơn các loại gạo thông thường. Gạo mầm giàu hàm lượng gaba so với các loại gạo thông thường. Đây là một trong những chất ức chế dẫn truyền xung thần kinh của hệ thống thần kinh trung ương. Các loại thuốc bào chế có chứa chất gaba thường được sử dụng để chữa chứng động kinh hoặc trị liệu các bệnh có liên quan đến dây thần kinh. Một số nghiên cứu khác còn cho rằng gaba có khả năng làm giảm huyết áp của người sử dụng. Tuy nhiên, chưa có các nghiên cứu nào được công bố cho thấy gạo mầm có chứa gaba có tác dụng chữa các bệnh liên quan đến thần kinh hoặc các bệnh khác như ung thư, tim mạch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận