N.Minh (sinh viên năm 4 một trường đại học ở TP Thủ Đức, TP.HCM) đến giờ vẫn hối hận về khoảng thời gian dùng đồ hiệu dỏm. Từ lúc tình cờ thấy chiếc áo phông in thương hiệu nổi tiếng nên mua mặc thử, được khen sang chảnh và nhiều người kiêng nể, cô bắt đầu lấn vào con đường hàng hiệu "pha ke".
"Phông bạt" rồi bị bóc phốt, bạn bè xa lánh
Những chiếc áo gắn mác châu Âu thực ra N.Minh mua với giá còn thua những thương hiệu trong nước. Chỉ áo trắng đang mặc, Minh nói nếu mua chính hãng ở trung tâm thương mại không dưới 2 triệu đồng nhưng mua trên mạng 120.000 đồng là "phông bạt tốt rồi".
Facebook, Instagram của cô gái trẻ đều là hình ảnh shopping theo kiểu không nhìn giá. Cô giải thích mình có mua đồ hiệu, tầm 15 món dỏm có một món thật để đăng hình sống ảo cảnh đi mua sắm.
Đa phần hội bạn Minh không sành, thấy cô dùng thương hiệu quốc tế thì mặc định là người có tiền. "Nói thiệt cảm giác dùng đồ của thương hiệu lớn tạo cho bản thân sự khác biệt, tự tin hơn hẳn giữa đám đông. Cảm giác đó khiến mình khó lòng từ bỏ thói quen xấu này", Minh tâm sự.
Cô ngại ngùng nhớ lại thời điểm bị phát giác "phông bạt". Đó là tiệc sinh nhật một người bạn, cô diện chiếc áo của nhãn hàng lớn. "Hôm đó có nhiều người mặc giống nhưng họ mặc đồ thật nên có thể kiểm tra số xê ri và phiếu bảo hành điện tử. Họ hỏi tới, mình chỉ ngượng ngùng tránh sang câu chuyện khác. Vậy là từ đó mấy đứa bạn hiểu mình chỉ xài đồ hiệu dỏm", cô kể mà mặt méo xẹo.
Chưa bị bạn bè nói gì nhưng cô tự thấy xấu hổ. Cô giảm bớt những bộ đồ gắn mác thương hiệu nổi tiếng. "Thật sự mình biết mọi người lịch sự nên không nói, chứ cảm giác bạn bè xung quanh ai cũng có ánh mắt dò xét. Nhiều lúc sắp chịu không nổi mình tính chuyển khoa để học luôn rồi", Minh bày tỏ.
Cô cho biết giờ đây mình thẳng thắn hơn, không còn chạy theo bề nổi, trên Facebook không còn hình ảnh đập hộp hàng hiệu. Ai hỏi Minh sẵn sàng chia sẻ đó là đồ mua trên mạng giá rẻ.
Cô gượng cười: "Khoảng thời gian xài đồ dỏm khiến mình mệt mỏi, vì liên tục tìm cách nói dối để chứng minh giá trị món đồ. Nhiều khi luôn trong trạng thái stress nhưng vì lỡ mang tiếng là dân xài đồ hiệu nên cũng cố gắng đu theo, tới giờ mới thấy hối hận".
"Phông bạt" vật chất không còn xa lạ, giờ đây "phông bạt" cả trình độ mới dễ khiến bạn trẻ lên... "tầm cao mới" và cũng khó để biết đó là thật hay giả.
"Sau buổi cà phê đơn giản đó, anh sếp nhận tôi vào làm, đề nghị mức lương 30 triệu đồng/tháng. Với khả năng của mình, tôi chả cần phỏng vấn, qua một buổi nói chuyện là được tuyển thẳng luôn", chàng trai tên Hữu Chiến chia sẻ ảo trên mạng xã hội, trong một câu chuyện dài về quá trình đi làm. Nhưng ở dòng trạng thái khác, người này bộc lộ "đi làm cả chục năm rồi, đến giờ vẫn chả có một xu dính túi" mà quên chưa xóa.
Chiến chia sẻ về tầm nhìn những tập đoàn lớn, xu hướng y học thế giới tương lai, lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp... Điều này khá giống với cô gái tên H.. H. từng đăng tìm người yêu, cho biết mình lương 500 triệu đồng/tháng, làm cho hãng Apple, đầu tư chứng khoán "xanh vùng trời" và hay về Việt Nam làm thiện nguyện.
Lập tức nhiều người có "chuyên môn" bóc phốt vào thắc mắc công việc cụ thể của H., hỏi kỹ về các đầu việc, thuật ngữ. Chủ status trả lời lòng vòng trước những câu hỏi đau đầu và lặng lẽ ẩn dòng trạng thái.
Nhận thức giá trị thật để đi đường xa
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, giám đốc chuyên môn Trung tâm tâm lý Lumos, nhận định lối sống "phông bạt" có thể gây nhiều hậu quả tâm lý.
Người theo đuổi lối sống này dễ bất an, lo âu vì phải liên tục duy trì hình ảnh lý tưởng, dẫn đến căng thẳng, áp lực về tài chính lẫn cảm xúc. Phụ thuộc sự công nhận từ bên ngoài có thể làm giảm giá trị thật của bản thân, khiến họ dễ trống trải và mất định hướng khi không nhận phản hồi như kỳ vọng.
"Dần dần cảm giác tự ti sẽ tích tụ khi họ nhận ra hình ảnh hào nhoáng không phản ánh đúng với "chính họ là". Họ mất kết nối với bản thân, khó lòng phát triển tiềm năng nội tại. Điều này làm giảm chất lượng các mối quan hệ, vì tương tác của họ dễ trở thành màn trình diễn hơn là kết nối chân thành", anh Thiện cho biết.
Tương tự, theo thạc sĩ Lê Anh Tú - giảng viên khoa quan hệ công chúng - truyền thông Trường đại học Văn Lang, người "phông bạt" luôn có áp lực phải có gì đó để khoe. Điều này sẽ nguy hiểm nếu là áp lực của một thế hệ, do phải thành công và thành công hơn nữa.
Khi người xung quanh phát hiện bạn trẻ "phông bạt giả giả thật thật" thì bản thân sẽ bị mất uy tín, phát sinh những hệ lụy trong công việc, cuộc sống...
Theo giảng viên Anh Tú, lối sống "phông bạt" là điều không nên cổ xúy. Một số thông tin mạng xã hội cho thấy dấu hiệu "phông bạt" đang biểu hiện nhiều hơn. Chẳng hạn trên mạng Threads, nhiều bạn tiết lộ thu nhập rất cao khi mới 21, 22 tuổi hoặc khoe du lịch vòng quanh thế giới... Trên các kênh TikTok cũng vậy.
Điều này gây tác động, áp lực cho những bạn trẻ thuộc nhóm chân thành, cần cù, bình dị vì quan sát đồng trang lứa quá "ảo diệu". Sự "phông bạt" khiến giá trị ảo lên ngôi, ảnh hưởng bản thân các bạn và cả những người xung quanh. Bởi giá trị thật luôn là điều cốt lõi, bạn trẻ cần nhận thức được để đi đường xa.
Theo Anh Tú, mạng xã hội có khuynh hướng nếu người dùng đăng tải những dòng trạng thái chia sẻ thành tích sẽ nhận được nhiều lượt thích, bình luận hơn. Điều này khả năng sẽ kích thích cách vận hành nội dung mạng xã hội, ảnh hưởng lối sống, khiến mọi người có áp lực phải khoe, "phông bạt". Đây cũng là một phần trách nhiệm của đội ngũ vận hành mạng xã hội, nên điều phối những thuật toán khiến những nội dung khác được biết đến nhiều hơn, như nội dung nhân văn, hữu ích về giúp đỡ con người...
Chia sẻ nhẹ nhàng, khiêm tốn
Theo thạc sĩ Lê Anh Tú, nếu thật sự làm được điều gì đó ý nghĩa, đạt những thành công nho nhỏ trên những chặng đường, bạn trẻ có thể thoải mái chia sẻ một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn.
Mặt khác, bạn trẻ đừng tự tạo áp lực đạt được cái này cái kia và liên tục tạo nội dung mới để khoe những gì đạt được hoặc thậm chí chưa đạt. Tất nhiên thực tế có những cá nhân rất xuất sắc, nhưng đa số chúng ta có cuộc sống bình thường. Thành công là quá trình sẽ đến từ sự kiên trì chứ không phải từ việc khoe khoang những gì mình không có.
Thiết lập mục tiêu thực tế
Để hỗ trợ bạn trẻ bớt chìm đắm trong lối sống "phông bạt", thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện cho biết cần khuyến khích họ khám phá giá trị và năng lực thực sự của bản thân, xây dựng lòng tự trọng từ bên trong thay vì phụ thuộc sự công nhận bên ngoài.
Anh chia sẻ: "Các bạn có thể tham gia vào các liệu pháp tâm lý, sinh hoạt và thuộc về những nhóm đồng đẳng, nhóm gặp gỡ với sự chấp nhận và dung chứa, từ đó thay đổi tư duy và học cách chấp nhận chính mình. Việc thiết lập các mục tiêu thực tế và dần thoát khỏi những chuẩn mực xã hội áp đặt cũng sẽ giúp các bạn phát triển kết nối chân thật và bền vững hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận