Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ 3 từ trái, hàng sau) chứng kiến kễ ký đề án hợp tác tăng cường các liệu pháp điều trị tiên tiến cho bệnh nhân ung thư vú - Ảnh: T.A.
Đây là lần đầu tiên chương trình có sự phối hợp nhiều bên để cung cấp giải pháp toàn diện từ chẩn đoán đến điều trị.
Trao đổi với báo giới, ông Girish Mulye, Trưởng đại diện Roche Việt Nam cho hay:
Từ 2013 với chương trình We care for her, chúng tôi đã hợp tác để tầm soát ung thư vú sớm tại 5 tỉnh, với trên 40.000 phụ nữ tham gia và từ chương trình đã phát hiện bệnh ung thư vú sớm cho hơn 160 phụ nữ, có thể những người phụ nữ này sẽ không được chẩn đoán sớm nếu không có chương trình.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức đào tạo khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú cho 600 bác sĩ.
Đây là những thành quả ban đầu. Trong năm nay dựa trên thành quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng chương trình hỗ trợ để phát triển những gì đã đạt được.
* Chương trình này khác với chương trình đã thực hiện từ 2013-2020 ở điểm nào, thưa ông?
- Với chương trình We care for her từ 2013-2020, chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú (với người dân) và tăng cường khả năng sàng lọc tại bệnh viện. Với đề án lần này, bắt đầu từ cuối 2020 (kéo dài đến 2025, có chủ đề Joining hand for her - Cùng chung tay vì cô ấy) sẽ bao gồm 4 mục tiêu chính.
Một là, hợp tác với Tổng hội Y học Việt Nam và các cơ quan Chính phủ để tăng nhận thức của người dân, tăng cường sàng lọc và phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm hơn.
Hai là, hợp tác với 5 bệnh viện (gồm Bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Ung bướu Hà Nội, Ung bướu TPHCM) để đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ, cung cấp thêm trang thiết bị và liên kết theo nhu cầu của bệnh viện.
Ba là, hợp tác phân tích về dữ liệu, từ đó đưa ra các phân tích về xu hướng bệnh ung thư vú. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu rất tốt ở Việt Nam, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho họ phân tích dữ liệu đã thu thập được, để dựa trên việc hiểu những dữ liệu này, giúp cho chúng ta đưa ra các quyết định tốt hơn trong việc hiểu và điều trị ung thư vú.
Bốn là, tăng khả năng tiếp cận với thuốc của bệnh nhân, để cải thiện chất lượng điều trị, giúp họ nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
* Thời điểm nào đề án chính thức được triển khai?
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phát biểu tại lễ ký - Ảnh: T.A.
- Chương trình này kéo dài 5 năm và đã bắt đầu từ tháng 10 rồi, cho tới nay đã có trên 5.000 người ở 9 tỉnh được tầm soát, chương trình tầm soát vẫn sẽ tiếp tục hàng năm để đẩy mạnh hơn nữa số người được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm.
Ở đây có vai trò của Roche, là đơn vị đồng hành tài trợ chính cho chương trình. Nhưng để sáng kiến này và việc tăng cường tiếp cận thuốc bền vững hơn nữa, chúng ta cần phải hơp tác các cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
* Ông có nói về điểm khác biệt của Việt Nam so với thế giới về tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú được phát hiện bệnh trễ và gần đây là nhiều bệnh nhân ung thư vú phát hiện ở lứa tuổi trẻ hơn. Ông có ý kiến gì về điểm này?
- Tại Việt Nam, con số này cao một cách khá lạ, trước đây có tới 70% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn 3-4, gần đây, con số này là 55%, tức là phát hiện bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn đã di căn, bệnh tiến triển nhanh.
Ở giai đoạn muộn này, kỳ vọng về kết cục của bệnh nhân là không khả quan, việc điều trì chỉ là cải thiện triệu chứng.
Chúng ta cũng có thể nhận thấy số ca mắc mới, số ca được chẩn đoán hàng năm gần như là bằng số ca tử vong. Tôi xin chia sẻ một câu chuyện từ gia đình tôi, đó là mẹ vợ tôi cũng mắc ung thư ở Mỹ, nhưng đã được điều trị lui bệnh 6 năm rồi vì tầm soát sớm, phát hiện khối u sớm và được phẫu thuật sớm, chất lượng điều trị vì thế tốt hơn.
Câu chuyện ở đây không phải là về thuốc, mà điểm chính của chương trình là phát hiện bệnh sớm để bệnh nhân điều trị hiệu quả, điều trị ít xâm lấn hơn và chi phí cho thuốc cũng thấp hơn.
Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên, đại diện đơn vị đồng hành cùng dự án, phát biểu tại lễ ký - Ảnh: T.A
* Với những thuốc điều trị ung thư vú mới, ông có thấy một điều là thuốc tốt hơn nhưng không có nhiều người mua được vì giá cao? Các ông có giải pháp nào cho vấn đề này?
- Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử điều trị bệnh ung thư vú, năm 1998 những bệnh nhân có xét nghiệm mắc thể Her2 dương tính đó là tin rất xấu, vì chưa có cách gì hỗ trợ bệnh nhân.
Nhưng hiện nay với thuốc kháng thể đơn dòng điều trị rất tốt cho bệnh nhân. Ở nhóm nhỏ bệnh nhân vì một lý do về thể bệnh, thuốc này vẫn chưa đủ tốt cho họ, thì chúng ta lại có những loại thuốc mới hơn để tăng hiệu quả trên những bệnh nhân này.
Ngay cả những trường hợp ung thư không thể trị khỏi được, thì những loại thuốc mới này cũng giúp tăng thời gian sống của bệnh nhân.Câu hỏi về chi phí luôn là một đề tài khó, đó là lý do vì sao chúng tôi phải phối hợp với nhiều cơ quan ban ngành để cải thiện điều kiện chăm sóc nói chung cho bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam:
Chương trình hợp tác của Tổng hội Y học Việt Nam và Roche Việt Nam sẽ bao gồm nhiều hoạt động để tăng cường nhận thức của người dân về căn bệnh ung thư vú, trong đó bao gồm khám sàng lọc sớm, tầm soát bệnh sớm cho người dân. Ở đây còn có vai trò của Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, của Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, của Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng…
Hợp tác này cũng sẽ hỗ trợ đào tạo cho bác sĩ về điều trị, về tư vấn tâm lý cho bệnh nhân ung thư. Lần đầu tiên, sẽ có một "bản đồ bệnh ung thư vú" được xây dựng, dựa trên dữ liệu mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có.
Khi có "bản đồ", sẽ có các chính sách và giải pháp để bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhân ung thư vú tiếp cận các liệu pháp điều trị mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận