
Trước bối cảnh Phố Wall hỗn loạn vì thuế quan, tỉ phú Elon Musk đã đăng một dòng tweet ngắn gọn: “Đừng hoảng” (Don't Panic) - Ảnh: REUTERS
11h01 trưa nay 9-4 giờ Việt Nam, mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực mà không có miễn trừ hay ngoại lệ nào.
Theo tờ New York Times, các tỉ phú và lãnh đạo tài chính ở Phố Wall đang lo lắng và bất lực khi thị trường chứng khoán lao dốc do làn sóng thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bất chấp nỗ lực từ nhiều phía, ông Trump vẫn phớt lờ lời kêu gọi rút lại các chính sách được cho là "nguy hiểm đối với nền kinh tế".
Ngay sau khi loạt thuế quan mới nhất được công bố, các nỗ lực thuyết phục rút lại chính sách thuế quan - từ cuộc họp kín giữa CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon với bộ trưởng thương mại Mỹ, đến các cuộc gọi của các nhà tài trợ lớn cho chiến dịch tranh cử - đều thất bại.
Nhiều tỉ phú từng ủng hộ ông Trump công khai lên tiếng chỉ trích. Tỉ phú William Ackman, nhà quản lý quỹ đầu cơ, gọi chính sách thuế quan là "tính toán sai lầm" và cảnh báo hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu không sớm điều chỉnh.
Ông Andrew Hall - tỉ phú trong ngành dầu mỏ - cũng kêu gọi các “ông trùm tài chính” khác lên tiếng.
Chủ tịch Tập đoàn BlackRock Laurence Fink thẳng thắn cảnh báo “nền kinh tế đang yếu đi rõ rệt” và giá tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí các mặt hàng phổ biến như búp bê Barbie cũng sẽ tăng giá.
Trước bối cảnh bất ổn, ngày 8-4, tỉ phú Elon Musk đã đăng một dòng tweet ngắn trên X với 2 từ: “Đừng hoảng” (Don't Panic). Tuy vẫn chưa đưa ra bình luận chi tiết, phát ngôn này lập tức thu hút sự chú ý từ cộng đồng tài chính toàn cầu.
Thị trường chứng khoán đang phản ứng tiêu cực rõ rệt. Chỉ số S&P 500 đã giảm gần 18% so với đỉnh tháng 2. Khi có tin đồn ông Trump sẽ tạm dừng thuế quan, thị trường có sự phục hồi nhẹ, nhưng sau khi Nhà Trắng phủ nhận, thị trường lại tiếp tục giảm.
Người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định ông Trump luôn lắng nghe giới doanh nghiệp, nhưng hiện tại sẽ ưu tiên “lợi ích của người dân Mỹ”, bao gồm việc giải quyết thâm hụt thương mại và tái tạo việc làm trong nước.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn bắt đầu đánh giá lại rủi ro tài chính. Một số tổ chức xem xét khả năng giảm giá trị các khoản cho vay hàng tỉ USD. Còn thị trường cho vay tư nhân - vốn tài trợ cho các doanh nghiệp rủi ro cao - cũng đang chịu áp lực lớn vì chưa từng đối mặt một cú sốc như hiện tại.
Trước sự cứng rắn của chính quyền ông Trump, giới tài chính dần từ bỏ hy vọng tác động đến chính sách chung, chuyển từ vận động sang tự bảo vệ mình, tiến hành đàm phán xin miễn trừ thuế quan cho từng ngành cụ thể.
Ngay cả ông William Ackman, người từng gay gắt chỉ trích chính sách thuế quan của ông Trump, cũng bắt đầu "dịu giọng". Ông Ackman bày tỏ ủng hộ loại bỏ các thực hành thương mại không công bằng, nhưng cần thời gian đàm phán nhằm tránh tổn thất không cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận