Hơn 50.000 lượt khách đã đến trong ngày đầu tiên 7-10 diễn ra Lễ hội Phở Việt Nam (Vietnam Phở Festival) tại Nhật để thưởng thức món ăn nổi tiếng nhất của Việt Nam, do đích thân những đầu bếp quán phở danh tiếng đến từ Việt Nam nấu.
Đằng sau những tô phở thơm ngon, nóng hổi ấy các thực khách còn tìm thấy sự tương thích, gần gũi của hai nền văn hóa ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản.
Đi chặng đường xa để đến Vietnam Phở Festival
Dù 11h lễ khai mạc mới chính thức bắt đầu, các gian hàng còn tất bật chuẩn bị đồ dùng, rất nhiều du khách người nước ngoài cũng như các gia đình Nhật Bản đã có mặt tại công viên Yoyogi và nhanh chóng bị cuốn hút bởi hương thơm từ các gian hàng phở. Tiết trời nắng cộng một chút se lạnh dường như góp phần đưa hương phở lan tỏa mạnh hơn trong không gian.
Nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ Nhật Bản đã đến từ sớm với mong muốn thưởng thức món phở. Chị Odekakechan, đến từ Tokyo, nổi bật trong chiếc áo dài tím, cho hay khi biết có Lễ hội phở của Việt Nam, chị cùng bạn mình diện ngay chiếc áo dài đến với lễ hội và thưởng thức món ăn yêu thích.
"Phở ở đây rất ngon. Từ trước đến nay, tôi chỉ được ăn phở gà. Mãi đến khi có dịp đi du lịch sang Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, tôi biết thêm món phở bò. Vị phở ở đây đúng là hương vị đã từng được ăn trong chuyến đi ấy. Phở bò rất đậm vị, nhiều dinh dưỡng", chị Odekakechan chia sẻ.
Trong khi đó, cô Mariko Takeguchi, một giáo viên dạy tiếng Nhật, cũng bị hấp dẫn bởi "thế giới ẩm thực" ở ngày hội. Yêu thích văn hóa Việt Nam và món phở, cô Mariko Takeguchi cho biết hằng tháng thường đi ăn phở. Hôm nay được người bạn giới thiệu nên đến ngay gian hàng Phở Dậu. "Bánh phở ở đây ngon hơn tất cả những quán tôi từng ăn, nước dùng thanh nữa", cô cho biết.
Đông đảo người Nhật, người Việt xa quê từ khắp mọi nẻo đường Nhật Bản đã tranh thủ ngày cuối tuần, đi hàng giờ tàu điện ngầm để đến với Lễ hội phở. Hai vợ chồng ông Tuấn đến từ Yokohama đã chọn ba thương hiệu phở khác nhau để ăn cho thỏa nỗi nhớ quê hương.
"Ngày cuối tuần, chúng tôi tìm lại hương vị xưa. Phở được bán nhiều ở Nhật, mỗi lần đi ăn chúng tôi phải xếp hàng rất dài. Nhưng những vị phở ở đây cho tôi cảm giác như người bạn lâu ngày gặp lại. Có gì đó rất thân thuộc", ông Tuấn chia sẻ.
Phở Việt ở nơi lạ mà rất quen
Dù mới lần đầu "xuất ngoại" nhưng những thương hiệu như Phở Dậu, Phở Thìn, Phở Hai Thiền, Phở Sâm Ngọc Linh, Phở Sen SASCO, Phở khách sạn Majestic Sài Gòn, Phở khách sạn Grand Saigon, Phở nhà hàng sân golf Thủ Đức (VGCC)... đều được những người yêu phở Nhật Bản lẫn người Việt xa quê dễ dàng nhận ra. Trong lúc cao điểm, dòng người xếp hàng trước các gian hàng phở cho thấy sự yêu thích đó.
Càng về chiều, lượng khách đến lễ hội càng đông, các đầu bếp nấu phở phục vụ không ngưng tay. Hoa hồi vàng Nguyễn Tiến Hải, Phở S', cho biết 80% khách của gian hàng là người Nhật Bản, có người ăn đến 2 - 3 tô. Nhìn cách người Nhật tập trung, xếp hàng, cầm tô phở nóng, húp xì xụp từng ngụm nước, gắp cọng phở lùa vào miệng kêu thành tiếng, húp cạn nước dùng, anh cảm nhận rõ người Nhật thực sự rất thích món này.
Nhưng người vui hơn cả có lẽ là chị Ưng Bích Hoàng của gian hàng Phở Dậu. Nhiều người Việt sống và làm việc lâu năm ở Nhật đã đến từ sớm nhận "khách quen". Ông Phụng, một Việt kiều sống ở Nhật Bản hơn 50 năm, vui mừng vì cuối cùng cái tên Phở Dậu quen thuộc đã đến xứ sở hoa anh đào.
Trong khi đó, gia đình chị Mỹ Hà đã thay đổi kế hoạch vui chơi cuối tuần để dành thời gian đến lễ hội. "Khi nghe Phở Dậu đến Nhật, hai bé nhà tôi đã đồng ý đi cùng. Mỗi lần về Việt Nam, cả nhà chỉ ăn Phở Dậu", chị Mỹ Hà cho biết.
Sự ủng hộ của khách đến lễ hội nhiều hơn dự kiến, quá giờ trưa, các gian hàng phở gần hết nước dùng. Các đầu bếp lại "nổi lửa" tăng thêm suất phục vụ cho buổi chiều.
Những chính khách yêu phở Việt
Trong ngày khai mạc lễ hội, ông Yamaguchi Natsuo - chủ tịch Đảng Công minh Nhật Bản - đã thưởng thức đến ba tô phở với ba thương hiệu khác nhau, sau đó còn lưu lại khá lâu để giao lưu với những người yêu phở.
Ông Yamaguchi Natsuo kể cách đây 32 năm khi lần đầu tiên đến Việt Nam và thưởng thức món phở, ông ấn tượng với món ăn này và tin rằng bất kỳ người Nhật nào có cơ hội thưởng thức đều sẽ yêu thích ngay.
"Vị phở rất ngon và rất hợp với khẩu vị người Nhật Bản. Tôi tin mọi người sẽ rất thích món ăn này. Ăn phở hôm nay, tôi lại nhớ khoảng thời gian đó. Dù phở có biến tấu thế nào đi nữa, hương vị phở của Việt Nam vẫn có nét rất riêng của sự kết hợp giữa sợi phở làm từ gạo và nước xúp từ thịt bò", chủ tịch Đảng Công minh Nhật Bản chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Ông nói thêm, qua món phở, chúng ta nhìn thấy sự tương đồng, gần gũi về văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Hai nước đều dùng nhiều sản phẩm từ gạo trong đời sống hằng ngày. "Thông qua lễ hội này, tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cùng dàn giao hưởng phở này sẽ tạo nên bản nhạc tuyệt vời nhất!", ông Yamaguchi Natsuo gửi thông điệp ý nghĩa.
Theo các thực khách, hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng, hợp với không khí thiên nhiên của mỗi mùa, mang đậm bản sắc riêng. Món phở của Việt Nam cũng có những nét tương đồng như vậy.
Ông Aoyagi Yoichiro, hạ nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản, chia sẻ mới là ngày khai mạc nhưng đã có người hỏi liệu có Lễ hội phở Việt tại Nhật Bản trong năm sau nữa hay không. Và ở đó, không chỉ có món phở Việt mà còn là sự thi thố, gặp gỡ giữa mì ramen, mì soba... với các món phở.
"Hôm nay tôi đã thưởng thức ba tô phở. Vị phở tại lễ hội gần giống với phở tôi từng ăn ở Việt Nam, vì những tô phở này do những chủ quán phở từ Việt Nam sang đây nấu. Những gì thấy được qua Lễ hội phở lần đầu tiên được tổ chức ở Nhật Bản, các giá trị mà người dân hai nước tương đồng, tình hữu nghị... là nền tảng để lễ hội tiếp tục được tổ chức trong năm tới. Tất nhiên, sẽ cần có nhiều yếu tố nữa", ông Aoyagi Yoichiro nói.
Sẽ đưa Lễ hội phở - Vietnam Phở Festival đi nhiều nước
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, các lễ hội ẩm thực luôn là điểm giao lưu văn hóa lý tưởng nhất mà ở đó người tham gia dễ dàng tìm thấy sự tương thích, gần gũi dù đến từ nhiều quốc gia. Và ở Lễ hội phở Vietnam Phở Festival 2023, các giá trị ấy tiếp tục được làm bật lên. Lễ hội còn tiếp tục mở cửa thêm một ngày 8-10.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, cục trưởng Cục Du lịch, cũng khẳng định giá trị của món phở không chỉ là món ăn quen thuộc của người Việt, mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa, một phương thức kể chuyện tinh tế, để thông qua thưởng thức phở, du khách quốc tế có thể cảm nhận và hiểu biết hơn về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.
Ý tưởng đưa Lễ hội phở - Vietnam Phở Festival đi xa hơn và tiếp tục đi ra các nước sẽ là cách thức thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Trước mắt chúng ta sẽ tập trung vào những thị trường có nguồn khách chủ lực, có nét văn hóa ẩm thực tương đồng Việt Nam như Hàn Quốc... Và có thể đi xa hơn.
Vietnam Phở Festival 2023 do báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và sự ủng hộ của những người bạn Nhật Bản như ngài Aoyagi Yoichiro - hạ nghị sĩ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, báo Mainichi (Nhật Bản) và các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản.
Vietnam Phở Festival 2023 có sự tham gia của các đầu bếp Hoa hồi vàng các năm như: Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tự Tin, Phạm Quang Duy... cùng đầu bếp các quán phở danh tiếng: Phở Dậu, Phở Hai Thiền, Phở Hotel Majestic Saigon, Phở'S, Phở Sen SASCO, Phở Thìn Bờ Hồ, Phở nhà hàng sân golf Thủ Đức, Phở Ta - Bình Tây Food...
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Suntory Beverage & Food, Simply Food (Công ty thực phẩm Bình Tây), SASCO, Dai-ichi Life Việt Nam, Phở'S và một số doanh nghiệp khác.
Đương kim Hoa hậu Liên lục địa - Miss Intercontinental Lê Nguyễn Bảo Ngọc là đại sứ chính thức, đồng hành và hưởng ứng các hoạt động của chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận