Giải đáp thắc mắc này của đông đảo người người dân quan tâm, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết việc ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không phải là quyết định "từ trên xuống" mà phải do ý muốn của cộng đồng đưa lên.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không tự chấm chọn, ghi danh, mà phải do địa phương trên cơ sở ý muốn của người dân, cộng đồng sở hữu di sản, xét đủ tiêu chí phù hợp mới lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để trình bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt.
Ghi danh di sản văn hóa phải do địa phương đề xuất
Bà Lê Thị Thu Hiền - cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL năm 2010 của bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quy định rõ về tiêu chí và trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm:
- Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương.
- Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ.
- Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.
- Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Về trình tự, thủ tục: giám đốc sở văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau khi trình hồ sơ, hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể sẽ làm việc, cho ý kiến.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa căn cứ ý kiến thẩm định của hội đồng thẩm định trình bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc đưa di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thừa Thiên Huế chưa lập hồ sơ di sản món bún bò Huế
Bà Thu Hiền cho biết ẩm thực của Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú mà còn vô cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục quốc gia cần tuân thủ những quy định của pháp luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn khuyến khích các tỉnh, thành phố liên tục tiến hành nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng hồ sơ khoa học di sản liên quan đến lĩnh vực ẩm thực truyền thống đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời gian qua, đã có nhiều tỉnh, thành phố xây dựng hồ sơ khoa học di sản liên quan đến lĩnh vực ẩm thực truyền thống và được ghi danh.
Như nghề làm bánh pía (Sóc Trăng), nghệ thuật chế biến món ăn chay (Tây Ninh), nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp), nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng (Điện Biên), nghề làm bánh chưng, bánh giầy (Phú Thọ), kỹ thuật chế biến rượu cần của người Xtiêng (Bình Phước)…
Tuy nhiên đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa lập hồ sơ khoa học di sản cho món bún bò Huế.
Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế - xác nhận với Tuổi Trẻ Online hiện tỉnh này mới đang trình hồ sơ nghề làm bún làng Vân Cù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận