Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến dự Hội nghị an ninh thường niên Munich ở Đức - Ảnh: Reuters |
Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Pence khẳng định nước Mỹ vẫn "kiên định" với các cam kết trước đó đối với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Ngày hôm nay, thay mặt Tổng thống Trump, tôi muốn nhấn mạnh với quý vị sự đảm bảo này: nước Mỹ luôn ủng hộ mạnh mẽ NATO và kiên định với các cam kết của chúng tôi đối với những đồng minh xuyên Đại Tây Dương", ông Pence nói.
Trái ngược với dự đoán của nhiều người, khi Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố Washington vẫn ở cùng NATO trên sân khấu, thì bên dưới, các đại biểu lại tỏ ra hờ hững và khi ông Pence kêu gọi đồng minh châu Âu chia sẻ chi phí với Mỹ nhiều hơn thì đáp lại là một sự im lặng đến "khó hiểu", Reuters viết.
"Đây là lời hứa của Tổng thống Trump: Chúng tôi sẽ đứng cùng quý vị, trong hôm nay và cả mai sau, bởi sự liên kết của chúng ta dựa trên những lý tưởng cao quý về tự do, dân chủ, công lý và thượng tôn pháp luật.
Miễn là quý vị còn tin chúng tôi, dưới thời Tổng thống Trump, chúng tôi vẫn sẽ luôn luôn giữ niềm tin với quý vị", Phó Tổng thống Mỹ kêu gọi.
Sự ủng hộ, có thể nói là tích cực duy nhất cho màn phát biểu ngày 18-2 của Phó Tổng thống Mỹ, có lẽ đến từ Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan khi ông Pence kêu gọi Nga tôn trọng luật pháp quốc tế và có trách nhiệm chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Đại đa số tâm lý của những người còn lại là hoài nghi. Cựu phó tổng thư ký NATO Alexander Vershbow nói: "Nhiều người trong hội trường này vẫn còn tự hỏi liệu những điều vừa rồi có thật sự là một chính sách hay không".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thì tỏ ra thất vọng vì bài phát biểu của ông Pence tại Munich không hề đề cập đến Liên minh châu Âu (EU) nhưng hi vọng nước Mỹ ít nhất cần "nói một lần cho rõ" tại trụ sở EU vào ngày mai.
"Tôi mong là sẽ có những phản ứng rõ ràng tại Brussels vào ngày mai. Donald Trump đã nói ông ta vui mừng khôn xiết vì vụ Brexit và sẽ còn hơn thế khi còn những nước khác y vậy", ông Ayrault nói.
Mỹ là đối tác lớn nhất của châu Âu trong lĩnh vực thương mại, là nhà đầu tư vào lục địa này nhiều nhất và là đối tác của EU trong gần như tất cả các chính sách đối ngoại cũng như là người ủng hộ nhiệt thành sự thống nhất của châu Âu trong gần 60 năm qua.
Trong NATO, Mỹ đóng góp 70% chi phí hoạt động hàng năm của tổ chức này. Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, các nước châu Âu đều tiến hành cắt giảm ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lo ngại đến từ Nga khiến nhiều nước trong khối này, điển hình như các nước vùng Baltic, kêu gọi vai trò của NATO và những nước dẫn đầu khối trong việc bảo vệ thành viên khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận