Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tới bộ trưởng Bộ Công Thương và bộ trưởng Bộ Tài chính, về báo cáo tổng thể công tác dự trữ quốc gia xăng dầu.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương có ý kiến về nội dung báo cáo và các kiến nghị của Bộ Công Thương tại văn bản báo cáo liên quan công tác quản lý dự trữ xăng dầu. Bộ này cũng được yêu cầu phải gửi ý kiến tới Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ trước ngày 15-12.
Quy định về dự trữ xăng dầu quốc gia còn bất cập
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-12 liên quan dự trữ xăng dầu.
Đáng chú ý, tại văn bản này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu, không tiếp tục chậm trễ trong việc tham gia các ý kiến theo nhiệm vụ được giao.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng Lê Minh Khái về công tác dự trữ xăng dầu quốc gia, nêu rõ bộ đã có dự thảo báo cáo tổng thể trình Thủ tướng về dự trữ xăng dầu quốc gia gửi tới các bộ ngành liên quan để xin ý kiến.
Tuy nhiên, cơ quan này mới nhận được phản hồi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, trong khi chưa nhận được ý kiến của Bộ Tài chính, dù đã hai lần đôn đốc bộ này cho ý kiến trả lời.
Báo cáo tổng thể về công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương cho hay dù đã có nhiều văn bản quy định liên quan song hiện Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ quốc gia.
Vì vậy, chất lượng xăng dầu dự trữ quốc gia hiện đang áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel, nhiên liệu sinh học giống như các mặt hàng đang kinh doanh trên thị trường.
Quy định về định mức kinh phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia cũng được đánh giá là quá lạc hậu và không phù hợp, gây nhiều khó khăn trong thuê bảo quản xăng dầu. Thêm nữa, định mức hao hụt cũng đang áp dụng tạm thời theo hướng dẫn của Tổng cục Dự trữ nhà nước.
Tuy vậy, Bộ Công Thương đánh giá việc dự trữ quốc gia với mặt hàng xăng dầu cơ bản thực hiện đúng quy định, theo dõi chặt chẽ về báo cáo xuất, nhập, tồn hàng dự trữ.
Hàng dự trữ quốc gia đang để chung với doanh nghiệp
Năm 2016, tổng số tồn kho là 357 triệu lít, đến cuối năm 2020 tăng lên 371 triệu lít, hao hụt giai đoạn này là 6,8 triệu lít và kinh phí bảo quản 290 tỉ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia đến 31-12-2022 là 367.125m3, chủ yếu là xăng RON92 và diesel.
Như vậy, mức dự trữ quốc gia tương đương 7 ngày nhập ròng bình quân, nếu tính cả 3 loại hình dự trữ xăng dầu ở nước ta, gồm dự trữ sản xuất, thương mại và dự trữ quốc gia, tương đương là 65 ngày nhập ròng, thấp hơn so với tiêu chuẩn.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu có biến động khó lường, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương cho hay đã ký hợp đồng bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia với 4 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex.
Hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn để thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, địa điểm kho chứa hàng phù hợp với quy hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu. Tuy nhiên, hàng dự trữ quốc gia hiện đang chứa chung với hàng kinh doanh nên công tác luân phiên đổi hàng được thực hiện thường xuyên theo chu kỳ kinh doanh, Nhà nước không trả phí đảo hàng.
Bộ Công Thương nêu ra những khó khăn trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, đó là chưa được bảo quản riêng; các quy định về thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật mặt hàng xăng dầu, dự trữ nhà nước còn hạn chế, việc áp dụng các quy định pháp luật về nhập, xuất, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia đã phát sinh vướng mắc, khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận