Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu báo cáo đến năm 2020 tính toán tinh giảm được bao nhiêu đầu mối, biên chế - Ảnh: Hà Thanh |
Báo cáo Phó Thủ tướng về định hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó công lập có 1.337 cơ sở, chiếm 67% (gồm 331 trường cao đẳng, 350 trường trung cấp và 656 trung tâm).
Số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 91.555 người, trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 71.771 người, chiếm 78%.
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 135 văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan liên quan cũng ban hành hàng trăm văn bản liên quan đến cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cung cấp số liệu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ về tài chính trong tổng số 1.337 cơ sở công lập (Tự chủ tài chính nằm ở loại hình nào, đánh giá 1.337 đơn vị là nhiều hay ít so với nhu cầu của cả nước, với sự phát triển của KT-XH, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”...
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, “giáo dục nghề nghiệp là vấn đề lớn, khó. Từ ngày 1-1-2017, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Phấn đấu cuối quý 3 năm nay trình Thủ tướng về đề án này”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính chỉ là một phần của đề án đổi mới trên.
Về vấn đề tổ chức lại mạng lưới, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh “cần sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới của chúng ta với tinh thần là giảm mạnh đầu mối, tinh giản tổ chức bên trong. Ở đây chúng ta mới nói bên ngoài, mấy trung tâm cộng lại nhưng không có thay đổi về chất thì vẫn thế”.
Phó Thủ tướng yêu cầu đến năm 2020 có lộ trình tính toán giảm được bao nhiêu đầu mối theo hướng thành lập các trung tâm “2 trong 1”, “3 trong 1” nhằm giảm nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo; tính toán sắp xếp, giảm được bao nhiêu biên chế, chỉ rõ chồng chéo thế nào.
Đối với trường hợp thành lập mới, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta không tránh được chuyện sắp xếp, giải thể, sáp nhập lại, nhưng có những trường hợp thành lập thêm. Nhưng thành lập mới chỉ hạn hữu thôi và bài toán là hiệu quả, tiết kiệm. Đừng để ngân sách nhà nước phân bổ cho đơn vị sự nghiệp này không giảm đi mà còn tăng lên”.
Bên cạnh đó rà soát lại cơ chế tự chủ quan trọng nhất là tự chủ về mặt tài chính, tính toán lộ trình tự chủ; vấn đề chủ quản trong đơn vị sự nghiệp công, mô hình quản trị nội bộ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận