Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác đặc biệt đến thăm Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) - Ảnh: TIẾN LONG
Chiều 16-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc của Tổ công tác đặc biệt Chính phủ với lãnh đạo Bình Dương về phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đam yêu cầu: "Bình Dương cần vẽ lại bản đồ dự báo COVID-19 tới các tổ dân phố. Tôi muốn Bình Dương đi đầu việc này để làm sao tới đây nhìn vào bản đồ Bình Dương sẽ thấy từng tổ dân phố ‘đỏ, xanh, vàng' để cơ sở bám sát".
Theo ông Đam, hiện việc giãn cách đã thực hiện khá lâu, tất cả người dân và doanh nghiệp đều mong muốn làm sao kiểm soát được dịch bệnh để đưa đời sống trở lại bình thường.
Bây giờ có thể coi là giai đoạn cuối, cần tập trung kiểm soát được dịch bệnh sớm nhất. Phải coi xã phường, thị trấn, nhà máy là pháo đài, trong pháo đài đó phân ra từng pháo đài nhỏ hơn để kiểm soát dịch.
Phó thủ tướng cho rằng tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh khi đã tồn tại trong xã hội đều có lý do tồn tại. Và một bộ phận nhân dân trông chờ vào hoạt động đó để sinh sống, hoạt động nào an toàn thì cho mở. Làm sao khởi động lại nhà máy, xí nghiệp sản xuất an toàn.
"Quan trọng là bảo vệ để cơ sở sản xuất xanh, người tham gia sản xuất xanh và nơi cư trú xanh. Mấu chốt cuối cùng là nơi cư trú xanh, thậm chí Bình Dương cần tiến tới làm nhà trọ xanh", ông Đam nói.
Tới đây như nhiều chuyên gia nói chúng ta không thể hết sạch COVID-19 trong cộng đồng, tiêm vắc xin vào và kết hợp các biện pháp khác để giảm bệnh nặng và giảm người tử vong để dần quay lại cuộc sống bình thường mới. Nguyên tắc mở là từng bước, chắc chắn, an toàn. Phường nào xanh thì mở trong phường, tiến tới mở liên phường xanh và liên huyện xanh.
Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM
Phó thủ tướng đánh giá cao việc Bình Dương đã triển khai nhanh việc tiêm vắc xin COVID-19 và cho biết Tổ công tác làm việc với Bộ Y tế để cố gắng phân bổ thêm vắc xin để sớm đạt độ bao phủ vắc xin của tỉnh, bởi Bình Dương là tỉnh công nghiệp rất lớn.
Ông Đam đề nghị tiếp tục tập trung điều trị, phải có tổ chức y tế cơ sở, cần có hệ thống theo dõi sát các F0 đang cách ly ở nhà, bởi nếu chuyển nặng không kịp cứu chữa là tử vong; tổ chức lại các trung tâm cách ly hiện nay thành các khu điều trị tầng thấp.
"Quan trọng là nhân lực gối đầu, phải đưa anh em vào để tập huấn gối đầu, cần quan tâm đến chế độ cho đội ngũ y bác sĩ, tuyến đầu chống dịch. Làm sao đủ thuốc, đủ thiết bị, nhân lực để cứu được nhiều người bệnh", ông Đam nói.
Ông Đam cũng đề nghị tỉnh Bình Dương liên thông dữ liệu về quản lý xét nghiệm, quản lý F0, quản lý phần mềm lưu thông đi lại, phần mềm dự báo…
Chuyên gia Bộ Y tế: Bình Dương cần thay đổi cách thức chống dịch
Trao đổi tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm giám đốc y khoa Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương - đề xuất Bình Dương cần thay đổi trong cách thức phòng chống dịch.
Theo bác sĩ Hiếu, trước đây Bình Dương nếu phát hiện F0 thì hầu hết đưa đi cách ly, điều trị tập trung để giảm tỉ lệ tử vong và tránh lây nhiễm. Nhưng hiện nay cần tính toán và tuyên truyền để F0 đủ điều kiện ở nhà theo dõi, điều trị. Vì hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin đã nhiều hơn nên nguy cơ tử vong sẽ thấp.
Mặt khác, về lâu dài thì số ca F0 sẽ giảm, không thể duy trì quá nhiều cơ sở cách ly, điều trị dã chiến như hiện nay.
Bác sĩ Hiếu cho rằng cần chuyển giao, rút bớt nhân lực y tế tại các khu cách ly (hầu hết chỉ theo dõi bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ) để đào tạo, tập huấn điều trị cho bệnh nhân diễn biến nặng...
"Hiện bệnh viện hồi sức cấp cứu chỉ có 10% nhân lực y tế là người Bình Dương, nếu không đào tạo, chuẩn bị thì khi các đoàn hỗ trợ rút đi, Bình Dương sẽ thiếu hụt nhân lực y tế điều trị", bác sĩ Hiếu nói.
Tổng cộng hiện có khoảng 2.000 nhân sự y tế, tình nguyện viên từ các tỉnh, thành hỗ trợ Bình Dương chống dịch. Về công tác xét nghiệm, bác sĩ Hiếu cho rằng cần duy trì xét nghiệm, ngay cả các "vùng xanh".
Tuy nhiên, cần có đánh giá, phân loại theo nguy cơ. Nếu khu vực nào xét nghiệm có tỉ lệ nhiễm trên 1% là nguy cơ cao, cần tập trung xét nghiệm, truy vết. Với bệnh nhân cũng cần phân loại, các F0 không triệu chứng có tỉ lệ khỏi bệnh, ra viện rất cao nên cần ưu tiên, tập trung điều trị sớm cho các F0 có triệu chứng, có bệnh lý nền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận