Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg thứ 27 (SPIEF 2024) diễn ra từ ngày 5 đến 8-6, với chủ đề "Nền tảng đa cực - hình thành các trung tâm tăng trưởng mới".
SPIEF 2024 tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính là: quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thế giới đa cực; các mục tiêu và nhiệm vụ trong chu kỳ kinh tế mới của nước Nga; xây dựng xã hội lành mạnh, gìn giữ giá trị truyền thống; và ứng dụng công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển.
Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, hành xử trách nhiệm
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại SPIEF 2024, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về những vấn đề lớn của kinh tế thế giới.
Trong thông điệp chào mừng gửi tới diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nước Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác cùng các nước để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ mà thế giới đang đối mặt.
Matxcơva cũng sẵn sàng cùng các nước xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng và đa dạng văn hóa của các quốc gia. Ông tin tưởng SPIEF 2024 sẽ thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia và khởi động nhiều sáng kiến, dự án mới.
Trong thông điệp gửi tới SPIEF 2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu đoàn kết, hợp tác và hành xử có trách nhiệm của tất cả các quốc gia để cùng vượt qua những thách thức chung.
Khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, ông cho biết Việt Nam hoan nghênh, tham gia tích cực vào các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Phó thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.
Hợp tác, theo ông Quang, cần là cơ chế mở, bao trùm, khuyến khích sự tham gia của các nước. Đồng thời cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của mỗi bên và bảo đảm bền vững về môi trường, hài hòa về xã hội, hiệu quả về kinh tế.
Ba đề xuất của Việt Nam cho kết nối Á - Âu
Cũng trong thông điệp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sáng kiến "Đối tác đại Á - Âu" của Tổng thống Nga Putin về kết nối các tiến trình liên kết kinh tế khu vực, trong đó có Liên minh kinh tế Á - Âu và ASEAN.
Nhằm gia tăng kết nối và liên kết kinh tế giữa các quốc gia khu vực Á - Âu, phó thủ tướng đưa ra ba đề xuất.
Thứ nhất, phát triển các hành lang giao thông liên quốc gia từ đông sang tây và từ bắc tới nam để hình thành các tuyến hành lang mới, kết nối các trung tâm kinh tế trên toàn châu lục.
Thứ hai, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư thông qua. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á - Âu với ASEAN, mong hai bên sớm nghiên cứu khả năng xây dựng một hiệp định thương mại tự do.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trong đó, các quốc gia đi trước trong tiến trình này cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam.
Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nga, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khuyến khích tăng cường giao lưu, đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực ưu tiên như thương mại hàng hóa, các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giáo dục.
Ông đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Ngày 6-6, trong khuôn khổ tham dự SPIEF 2024, đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo Bộ Phát triển kinh tế Nga, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại St. Petersburg, lãnh đạo Tập đoàn Novatek và Tập đoàn Sistema.
Trong đó tại cuộc gặp thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga, hai bên nhất trí cho rằng dư địa hợp tác song phương còn rất lớn, năng lượng - dầu khí là một trụ cột của hợp tác giữa Việt Nam với Nga.
Hai bên nhất trí ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác hiệu quả, mở ra các lĩnh vực hợp tác mới theo hướng chuyển đổi năng lượng xanh sạch, phát triển bền vững.
Tập đoàn Novatek và Sistema bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất khí hóa lỏng, điện gió ngoài khơi, xuất khẩu hàng dệt may, sản xuất tàu thủy chạy bằng điện,...
Đáp lại, đoàn Việt Nam khẳng định đây đều là các lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và có nhu cầu lớn. Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nga, tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật cũng như tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
Đại diện chính quyền St. Petersburg thì bày tỏ mong muốn mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác với các địa phương của Việt Nam như Hà Nội, Khánh Hòa, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận