Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: T.L. |
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân chất vấn: “Cử tri thật sự lo lắng cái chết từ từ do chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm. Từ trang trại đến mâm ăn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát và đã ra nghị quyết của vấn đề này. Tôi xin hỏi Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ trong việc quản lý nuôi trồng, chế biến, lưu thông, tiêu dùng thế nào? Trách nhiệm có chồng chéo không?".
"Phó thủ tướng đã chỉ đạo lĩnh vực này như thế nào?”
Trả lời chất vấn này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nhìn từ phân công, phối hợp nhiệm vụ thì công tác này đã được các bộ ngành, địa phương và các đoàn thể cố gắng, có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Các bất cập, yếu kém không phải do phân công, phân nhiệm có trục trặc. Trước năm 2011 thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương khâu lưu thông, Bộ Y tế khâu chế biến.
Sau đó đã thực hiện quản lý theo chuỗi, theo ngành hàng, theo từng nhóm sản phẩm từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đến lưu thông, kinh doanh. Quy định pháp luật hiện hành đã quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ba bộ, nghị định cũng quy định cụ thể. Gần đây ba bộ đã ký thông tư liên tịch về nguyên tắc phối hợp, mỗi việc chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm chính làm đầu mối, có phụ lục từng ngành hàng cụ thể.
“Cho nên cơ bản là không phải vấn đề chồng chéo. Tại sao còn chữ cơ bản. Bởi vì quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các lĩnh vực khác luôn có sự giao thoa giữa các ngành. Hiện nay đã tinh giản rất nhiều thì còn 192 ban chỉ đạo và ủy ban liên ngành.
Thủ tướng, Phó thủ tướng đứng đầu 108 ban chỉ đạo, cá nhân tôi đứng đầu 20 ban chỉ đạo. Các ban chỉ đạo trong đó có ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm làm gì? Không chỉ họp định kỳ mà thường xuyên trao đổi với nhau bằng điện thoại. Không câu nệ cấp, chức mà tôi trực tiếp làm việc với các chuyên viên, xem có gì để lọt là anh em xử lý ngay.
Vấn đề quan trọng là luật pháp đã có, các tổ chức quốc tế ta nói ta đầy đủ, đương nhiên cần bổ sung, nhưng cơ bản đầy đủ, nếu thực hiện tốt thì vấn đề có thể được giải quyết cơ bản. Câu chuyện là tổ chức thực hiện, không chỉ là từng ngành theo ngành dọc, trong đó có sự vào cuộc không thể thiếu được của các cấp chính quyền bên dưới” - Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng đề cập đến cuộc vận động nhân dân với truyền thống, với đạo đức, “cuộc vận động không chỉ pháp luật mà còn đạo đức”.
Di dời bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô
Trả lời câu hỏi chất vấn về hội nhập, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong lĩnh vực lao động, đối với những lao động có kỹ thuật cao Việt Nam mới cho phép tiếp nhận, còn lao động du lịch thì Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Về vấn đề quản lý nhà cao tầng ở Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói lãnh đạo Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung, Hà Nội đã ban hành quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc, tỉ lệ quy hoạch chiếm 70% diện tích thành phố Hà Nội. “Chúng ta quản lý chiều cao theo đúng quy hoạch này, nếu có nhà cao tầng cần cao hơn thì phải đáp ứng yêu cầu về điểm nhấn kiến trúc” - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Về vấn đề xây dựng khu hành chính tập trung ở các địa phương, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói do trước đây xây dựng không có quy hoạch nên các khu hành chính ở các tỉnh, thành thường chiếm diện tích lớn, khoảng 33 hecta cho một khu hành chính.
Một địa phương nếu quy hoạch tập trung thì rút về còn từ 3 đến 6 hecta, như vậy diện tích tiết kiệm được là rất lớn, tuy vậy qua thực tế một số địa phương cho thấy để xây dựng được khu hành chính tập trung thì nguồn lực rất lớn, nên Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị tạm dừng quy hoạch trung tâm hành chính tập trung ở các địa phương, để Bộ Xây dựng rà soát xem có cái gì được, cái gì hạn chế, sau đó Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chấn chỉnh để thực hiện.
Liên quan đến việc di dời các cơ sở bệnh viện, trường học ra khỏi trung tâm nội đô TP Hà Nội và TP.HCM, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết việc này đã có chỉ đạo từ các năm 2008-2010, nhưng các năm qua khi chỉ đạo thực hiện thì các bộ và địa phương đều xây dựng đề án đòi hỏi nguồn lực lớn, ta khó khăn chưa thực hiện được.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu TP Hà Nội và TP.HCM rà soát lại danh mục các cơ sở y tế, giáo dục để xây dựng đề án dịch chuyển ra ngoài, về yếu tố tài chính giao cho Bộ Tài chính kiểm tra thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để tội phạm lặp đi lặp lại Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 17-11. Trong số các giải pháp tổng hợp để phòng chống tội phạm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc xây dựng lực lượng chức năng vững mạnh, đánh trúng, đánh liên tục tội phạm. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, ở đâu tội phạm lặp đi lặp lại thì bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, trưởng công an phải chịu trách nhiệm, trước hết là ở cấp quận, huyện, xã, phường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận