Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp điều hành giá - Ảnh: VGP
Báo cáo gửi Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13-10, Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá xăng dầu vẫn biến động phức tạp, khó đoán. Giá các mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ, Tết cuối năm.
Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, cũng nhìn nhận tình hình kinh tế chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là giá xăng dầu rất khó lường.
Trong nước, tới cuối năm nay một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng cao, cộng với nhu cầu tiêu dùng dịp Tết như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... tăng mạnh, sẽ tác động tới điều hành giá.
"Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời tạo thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023" - ông Khái yêu cầu.
Riêng với xăng dầu, mặt hàng thiết yếu, chiếm trọng số lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp đảm bảo nguồn cung, hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.
Đối với các mặt hàng khác, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá các hàng hóa thiết yếu khác như năng lượng, lương thực, thực phẩm, dịch vụ vận tải... để chủ động biện pháp điều hành.
"Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát kinh tế, lạm phát thế giới và cập nhật tình hình cung cầu, giá hàng hóa... để có các biện pháp điều hành giá chủ động, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Có chính sách tiền tệ chủ động, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành tín dụng, lãi suất, tỉ giá phù hợp…
Trước đó, tại thông báo kết luận cuộc họp của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về quản lý, điều hành xăng dầu trong nước của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, báo cáo Chính phủ trong tháng 10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận