Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện đất đắp nền đường, đá xây dựng và cát xây dựng đã cơ bản đáp ứng phục vụ cho dự án vành đai 3 TP.HCM.
Riêng nguồn cát đắp nền đường đang gặp nhiều khó khăn. Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 9,3 triệu m³. Trong đó, năm 2024 cần hơn 6 triệu m³.
Đến nay, các nhà thầu thi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM đã rất nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Tuy nhiên khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.
Trong đó, khó khăn chủ yếu là do các tỉnh đang ưu tiên cung cấp cát cho các dự án trong tỉnh và cấp cho các dự án cao tốc Bắc Nam (trục dọc - trục ngang) và chưa có chủ trương cấp cho các dự án ngoài tỉnh khác.
Nhằm giải quyết tình hình khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho dự án vành đai 3 TP.HCM hoàn thành đúng tiến độ, UBND TP.HCM kiến nghị điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng cát đắp nền tại các mỏ đang khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc khác sang dự án vành đai 3 TP.HCM ngay trong tháng 4-2024.
Việc chia sẻ theo hướng dự án nào tiến độ cấp thiết và nhu cầu tới trước sẽ cung cấp vật liệu trước để đảm bảo triển khai đồng bộ các dự án cao tốc theo từng giai đoạn cho phù hợp.
Song song đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các thủ tục liên quan để có thể rút ngắn các thủ tục gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác mỏ để có thể đưa vào khai thác.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương rà soát về khả năng cung ứng cát theo tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 3 TP.HCM để kịp thời có các giải pháp như nâng công suất, bổ sung các mỏ mới, chủ động xử lý vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp khai thác.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương có văn bản ủy quyền các địa phương để làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép khai thác các mỏ cát. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải rà soát, tính đơn giá, quy trình cụ thể về công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương về quy trình thủ tục cấp phép, định mức, đơn giá khai thác cát biển, nhập khẩu vật liệu xây dựng; nạo vét luồng giao thông đường thủy…
Phó thủ tướng cũng yêu cầu lập tổ công tác liên ngành phối hợp với các địa phương vận dụng các cơ chế gia hạn/cấp lại giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ cát phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM theo cơ chế đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép...
Vành đai 3 TP.HCM đang bứt tốc
Vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Dự án có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Hiện nay các địa phương đang bứt tốc thi công để đáp ứng mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Đi dọc chiều dài dự án những ngày này, các công trường đang hoạt động nhộn nhịp. Có nơi đã thành hình, trụ cầu đã mọc lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận