Ngày 5-5 tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ấn tượng với công nghệ bảo vệ rừng
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương, bộ ngành xây dựng các chính sách trình Chính phủ về việc phát huy đa dạng sinh thái rừng, mở ra tiềm năng khai thác lợi ích từ rừng.
Nói về việc quản lý bảo vệ rừng, Phó thủ tướng nêu trách nhiệm chính thuộc về các địa phương. Đồng thời, giao các địa phương tăng cường quản lý rừng, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay.
Bên cạnh nguồn ngân sách bảo vệ phát triển rừng từ trung ương, các địa phương cần dành ngân sách cho công tác bảo vệ rừng.
Thăm Vườn quốc gia Chư Mom Ray tại huyện Sa Thầy, phó thủ tướng bày tỏ ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng như sử dụng flycam để bay giám sát, phát hiện phá rừng và cài đặt ứng dụng theo dõi cự ly tuần tra bảo vệ rừng.
Theo phó thủ tướng, có cán bộ kiểm lâm đi gần 370km trong tháng để tuần tra bảo vệ rừng. Đây là điển hình có thể khen thưởng, tăng lương để động viên.
Bên cạnh đó, phó thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh Tây Nguyên quan tâm tình trạng di dân tự do và lấn chiếm đất rừng, canh tác giáp ranh với rừng dễ gây cháy rừng.
Gần 4.000 vụ xâm phạm rừng, 400 vụ cháy rừng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 14,8 triệu ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 10,1 triệu ha, rừng trồng 4,7 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%.
Từ năm 2023 tới nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 4.000 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng, diện tích rừng bị tác động là hơn 1.200ha.
Các vụ phá rừng tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Bộ đánh giá số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà... của người dân.
Về cháy rừng, từ năm 2023 tới nay cả nước có 400 vụ cháy rừng, ảnh hưởng gần 1.100ha rừng. Cùng với sự thiệt hại về rừng trong quá trình tham gia chữa cháy đã làm 12 người tử vong và 6 người bị thương.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4.
Cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận