TTCT - Đường Trần Hưng Đạo nằm ngay trung tâm TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, từ 10 năm nay được người dân địa phương gọi là “đường ngân hàng”, với 17 trụ sở ngân hàng đã hoạt động và 2 ngân hàng đang xây mới. Đường Trần Hưng Đạo, tuyến phố tài chính với hàng loạt ngân hàng lớn tại TP Sóc Trăng. Ảnh: CHÍ QUỐC Những trụ sở ngân hàng ở tuyến đường này đều là những tòa nhà cao tầng bề thế, khiến đường Trần Hưng Đạo trở thành một trong những con đường có nét đồng đều về hạ tầng hai bên đường “hoành tráng” nhất miền Tây. Chỉ dài hơn 1km, ở đây có 19 trụ sở ngân hàng tập trung. “Những trụ sở ngân hàng ở đây đều bắt buộc phải được xây từ 7 tầng lầu trở lên” - ông Tô Ngọc Hiển, trưởng Phòng quản lý đô thị TP Sóc Trăng, cho biết. Từ mô hình Phố Wall của Mỹ Là một trong hai tuyến đường nằm trong khu vực quy hoạch bền vững của Sóc Trăng, trước đây con đường là nơi tập trung của nhiều công trình kiến trúc cũ trước năm 1975. “Một số công trình cũ từng là công sở, tuy nhiên khoảng mười mấy năm nay thì đã được giải tỏa mặt bằng, giao cho các ngân hàng vào đây xây dựng” - ông Hiển nói thêm. Quá trình hình thành “đường ngân hàng” diễn ra khá nhanh. Đến như ông Hiển, vốn làm công tác đô thị từ lâu nay, nhưng cũng thừa nhận mình “không biết rõ” về quá trình hình thành của tuyến phố này. Làm sao một địa phương vẫn được xem là “tỉnh lẻ” như Sóc Trăng lại có con đường toàn trụ sở ngân hàng? Ông Nguyễn Duy Tân, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã về hưu 10 năm, bước sang tuổi 70, kể: “Trong quy hoạch hồi đó, chúng tôi để tên nó là phố tài chính hẳn hoi”. Lúc bấy giờ đang là phó chủ tịch thường trực tỉnh, ông Tân phải tìm đường ra cho một quy hoạch bài bản, hợp lý đối với các trụ sở hành chính công cho đô thị Sóc Trăng tương lai. Khi đó, những công sở nằm trên đường Trần Hưng Đạo phần lớn là những công trình được trưng dụng lại từ thời trước, đã xuống cấp khá trầm trọng. Phần còn lại chủ yếu là đất công bỏ trống và một số ít nhà dân. Sóc Trăng lúc đó đang trong tiến trình quy hoạch lại toàn bộ TP, tính toán ngân sách để có những trụ sở hành chính nhà nước tươm tất hơn. Bài toán xoay xở vốn cho những công trình trụ sở mới của Nhà nước luôn không dễ dàng. Dù trụ sở cũ, nhưng việc đập đi xây lại luôn là phương án tốn kém nhất và khó khả thi, bởi cần phải đảm bảo việc hành chính xuyên suốt để phục vụ người dân. “Năm 2002, tôi đi Mỹ và đến Phố Wall. Chứng kiến sự bề thế, sôi động của con phố tài chính lớn nhất thế giới, tôi liên tưởng ngay đến đường Trần Hưng Đạo ở quê nhà và quyết định giải bài toán quy hoạch theo hướng này” - ông Tân kể. Bộ mặt mới cho đô thị Sóc Trăng Những ngân hàng nằm san sát nhau trên đường Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng. Ảnh: CHÍ QUỐC Ý tưởng hình thành, ông Tân quay về, trình bày ngay với Ban thường vụ Tỉnh ủy rồi bắt tay vào thiết kế. Nhưng lúc bấy giờ, số ngân hàng hoạt động tại Sóc Trăng đếm chưa đủ đầu ngón tay. Nhiều đơn vị cũng chưa mặn mà lắm với việc đầu tư trụ sở mới, tốn kém ở một địa phương chưa sôi động nhiều về tài chính như Sóc Trăng. “Chúng tôi phải thiết kế phương án làm sao để hấp dẫn các ngân hàng về đây. Lợi thế của kế hoạch là Chính phủ vẫn còn cho phép việc giao đất công để thực hiện các dự án đầu tư theo chỉ định. Và chúng tôi uyển chuyển việc này thành một quy định vô tư lợi vì mục đích chỉnh trang đô thị cho tương lai” - ông Tân kể. Bản quy hoạch TP Sóc Trăng có thêm con đường Trần Hưng Đạo được đưa vào phần chỉnh trang đô thị ổn định, mục đích dành cho các cơ sở tài chính. Đất sẽ được cho thuê 50 năm, với điều kiện phải xây dựng công trình cao từ 7 tầng trở lên. Tiền thuê đất, cũng như việc xây dựng công trình từ 7 tầng trở lên không phải chuyện đơn giản. Nhưng những ngân hàng có đủ khả năng vốn để có thể đáp ứng được điều này. “Khu vực này trước đây trụ sở cũ chiếm đa số, mà người dân cũng chưa ở nhiều, nên việc giải tỏa mặt bằng diễn ra khá suôn sẻ” - ông Tân nói thêm. Thế là tòa nhà Sở Y tế cũ kỹ đã được thay bằng trụ sở Ngân hàng BIDV khang trang, nơi từng là Phòng văn hóa thị xã được thế bằng tòa nhà Ngân hàng Vietcombank bề thế, phần đất trước đây thuộc Công ty Đầu tư xây dựng cũ nay đã có các trụ sở Sacombank, Công thương, Bản Việt... Cả con đường chỉ còn vỏn vẹn một vài nhà dân và một khu đất công đang cho thuê trở thành quán cà phê khá lớn, phục vụ cho khu phố tài chính thêm sinh động. “Quy định xây dựng 7 tầng cũng gây khó khăn cho một số ngân hàng, bởi tầm vóc hoạt động không đủ. Tuy nhiên, họ cũng có thể cho thuê lại một phần diện tích... Đây là con đường tập trung trụ sở ngân hàng có một không hai trên cả nước” - ông Phạm Kim Hùng, phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, nhận định. Ông Hùng cho biết 17 trụ sở đang hoạt động và 2 trụ sở ngân hàng đang xây dựng gần như đã bao gồm toàn bộ các trụ sở ngân hàng có chi nhánh hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng hiện nay. Trừ Ngân hàng Đông Á, theo chủ trương chung của đơn vị này là muốn trụ sở chi nhánh chính nằm dọc theo quốc lộ, còn lại tất cả các ngân hàng đều lần lượt về đây xây trụ sở. “Nó trở thành con đường đẹp và khang trang có thể nói là hàng đầu ĐBSCL hiện nay” - ông Hùng tự hào. Không chỉ là một “bộ mặt đẹp” của đô thị, con đường Trần Hưng Đạo trong những năm qua đã góp phần làm nên sự sôi động về tài chính cho Sóc Trăng. Nó cũng tạo đà cho việc huy động vốn của Sóc Trăng, góp phần thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào vùng đất khá cách trở về mặt địa lý này. Ông Nguyễn Hữu Thành, giám đốc BIDV chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, cho biết không ít ngân hàng sớm có trụ sở tại Sóc Trăng trước các tỉnh miền Tây khác từ chủ trương quy hoạch con đường này. “Mỗi ngân hàng đều có một khách hàng tiềm năng, những nguồn huy động theo cách thức đặc trưng khác nhau để tồn tại, nhưng ít nhiều cũng phải có cạnh tranh nhau về... vẻ đẹp bộ mặt. Người ta tập trung trụ sở hoành tráng, mình sơ sài hơn là đã không được rồi” - ông Thành nói. Với ông Thành, việc tập trung lại trên một con đường đã giúp rất nhiều trong việc khuếch trương hình ảnh của ngành tài chính nói chung, và các ngân hàng góp mặt cũng hưởng lợi ít nhiều.■ Thêm “thương mại” vào cùng tài chính Ban đầu, từ ý tưởng của những người quy hoạch thì con phố này hoàn toàn là phố tài chính. Nhưng theo Phòng quản lý đô thị TP Sóc Trăng thì đến nay đã điều chỉnh thành “tài chính - thương mại”. Nghĩa là không chỉ hoàn toàn các trụ sở ngân hàng, đơn vị tài chính có thể vào đặt trụ sở mà tương lai các trung tâm thương mại cũng có thể đầu tư vào đây, miễn đáp ứng được yêu cầu thiết kế xây dựng từ 7 tầng trở lên. Điều này xuất phát từ việc hiện nay hệ thống ngân hàng gần như đã khá đầy đủ ở Sóc Trăng, do đó một số diện tích đất công trên con đường này sẽ được tiếp tục đưa ra thu hút đầu tư khu trung tâm thương mại trong nay mai. “May mắn là trên dưới lúc ấy đều đồng lòng về ý tưởng này, tỉnh quyết tâm thực hiện. Việc giao đất chỉ định cho các cơ sở tài chính tại tỉnh Sóc Trăng cũng đã được Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra. Nhưng mình làm vô tư, không vụ lợi, tất cả đều đúng theo quy định hiện hành nên không sao. Giờ những địa phương khác muốn hình thành nên một con phố như thế này có thể nói là không thể”. Ông Nguyễn Duy Tân (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) Tags: Phố tài chínhPhố Wall ở Sóc TrăngĐường ngân hàng
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.