Phố sách Hà Nội ngày càng thưa sự kiện và vắng khách đến mua sách - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Nhiều đơn vị xuất bản đã gửi kiến nghị đến ban quản lý phố sách Hà Nội, chỉ rõ những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Kinh doanh đi xuống
Kiến nghị cho biết trong khoảng ba tháng đầu đi vào hoạt động, do có sự hỗ trợ truyền thông của thành phố nên tình hình kinh doanh của các gian hàng tại phố sách Hà Nội tạm ổn với doanh thu trung bình mỗi gian hàng 125 triệu đồng/tháng.
Trong ba tháng tiếp theo, tình hình kinh doanh tại các gian hàng vô cùng ảm đạm, lượng khách rất ít, đa số là các bạn học sinh sinh viên đến chụp ảnh, các sự kiện được tổ chức tại đây thưa dần, dẫn đến doanh thu giảm mạnh, mỗi gian hàng chỉ còn 50 triệu/tháng.
Đơn kiến nghị của các đơn vị xuất bản cho biết.
Trước tình hình kinh doanh của các gian hàng đang đi xuống, các đơn vị xuất bản cùng kiến nghị đến ban quản lý phố sách Hà Nội, đề nghị thành phố hỗ trợ chi phí chăm sóc cây xanh, thảm cỏ vì đây là cảnh quan chung của thành phố; cắt giảm các lực lượng như vệ sĩ, vệ sinh... để đảm bảo mức thu phí mặt bằng không quá 200.000 đồng/m2.
Thành phố cần hỗ trợ phố sách hệ thống âm thanh, loa đài và sân khấu tại quảng trường trung tâm để làm tốt hơn công tác truyền thông và tổ chức sự kiện của phố sách. Mùi hôi thối từ cống thoát nước và các hộ dân xả thải sang phố sách cần được khắc phục...
Phố sách Hà Nội thưa vắng khách - Video: Phương Chinh
Sự kiện ít, khách đến vắng
Chúng tôi mong muốn tạo thêm điểm văn hóa cho thành phố, kỳ vọng đó không chỉ là nơi ra mắt sách, giao lưu với tác giả mà còn là nơi đấu giá bản thảo, khuấy động mua sách, chơi sách... Nhưng vì nhiều bất tiện và khó khăn, các nhà sách đều không muốn tổ chức sự kiện tại phố sách nữa. Chưa kể chúng tôi đang phải bù lỗ cho gian hàng tại phố sách.
Ông Lê Xuân Quang - phó giám đốc Nhà xuất bản ĐHSP Hà Nội
Bà Trần Phương Thảo - phó tổng giám đốc Thái Hà Books - cũng lý giải nguyên nhân khiến các sự kiện tại phố sách Hà Nội ngày càng thưa vắng:
"Nếu đơn vị nào tổ chức sự kiện tại phố sách thì phải thuê âm thanh, loa đài, sân khấu, bàn ghế... hết khoảng 7 triệu đồng.
Trong khi trung bình xuất bản được 2.000 cuốn sách lần đầu sẽ hòa vốn, lần tái bản sau mới lãi được 4 triệu. Các đơn vị lấy đâu ra tiền tổ chức sự kiện!".
Tuy nhiên, bà Thảo khẳng định Thái Hà Books sẽ vẫn tham gia phố sách dù phải bù lỗ vì xác định đây là một trong những chi phí marketing.
Nhưng về lâu dài, thành phố cần có giải pháp nâng cao hiệu quả phố sách để các đơn vị yên tâm gắn bó lâu dài với địa điểm này.
Bà Đào Quế Anh, phó tổng giám đốc Alpha Books, cho rằng phố sách Hà Nội chưa có những hoạt động mang tính liên kết tổng thể như Đường sách TP.HCM để tạo không gian tương tác với công chúng.
Theo bà, cần thành lập một công ty quản lý phố sách, có thể trực thuộc thành phố hoặc Hội Xuất bản Hà Nội hoặc Hội Xuất bản VN. "Đơn vị này sẽ hoạch định các chiến lược, chính sách lớn cho phố sách Hà Nội" bà Quế Anh đề xuất.
Bà Trần Phương Thảo, phó tổng giám đốc Thái Hà Books, cũng đồng tình: "Phải sớm có ban điều hành phố sách với sự tham gia của những người từng làm trong ngành xuất bản hoặc am hiểu về xuất bản".
Đưa phố sách thành điểm đến
Ông Lê Xuân Quang cho rằng để phố sách Hà Nội (hiện có 16 gian hàng sách, một gian hàng cà phê và một gian hàng hoa, đồ lưu niệm - PV) trở thành điểm đến văn hóa của thủ đô, rất cần sự cố gắng của các đơn vị làm sách và sự chia sẻ của thành phố.
Đồng tình quan điểm trên, bà Trần Phương Thảo đề xuất phố sách là công trình có ý nghĩa của thủ đô tạo điểm nhấn về văn hóa, du lịch... chỉ nên xã hội hóa một phần để giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị xuất bản.
Phố sách Hà Nội nên được chính thức đưa vào những chương trình quảng bá thông tin du lịch của thành phố cùng với hồ Gươm, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Bà Trần Phương Thảo - phó tổng giám đốc Thái Hà Books đề xuất.
Nói về việc làm truyền thông cho phố sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng - giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ - đề xuất cần có một nhóm chuyên trách am hiểu về xuất bản, thị trường sách, công chúng chịu trách nhiệm này.
Các hoạt động như bình chọn và trao giải sách quốc gia, khuyến khích học sinh giỏi... nên tổ chức tại phố sách. Đồng thời thành phố có thể phối hợp với các tổ chức quốc tế, các trung tâm văn hóa, đại sứ quán... các nước tại Việt Nam để truyền thông ra thế giới về phố sách...
Trao đổi về câu chuyện của phố sách Hà Nội, bà Trần Thị Mai Dung, trưởng phòng báo chí - xuất bản - truyền thông Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội, khẳng định thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà sách hoạt động một cách tốt nhất.
Chúng tôi đang thống nhất có văn bản chung báo cáo thành phố để tháo gỡ khó khăn cho các gian hàng về chi phí. Đồng thời chúng tôi sẽ xây dựng những kế hoạch truyền thông dài hạn cho phố sách.
Bà Trần Thị Mai Dung, trưởng phòng báo chí - xuất bản - truyền thông Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội
Đường sách TP Vũng Tàu có diện tích 1.903m2, gồm 9 gian hàng tiêu chuẩn (30m2/gian), 2 gian hàng lớn (70m2/gian), 2 khu cà phê sách và 6 gian hàng văn phòng phẩm.
Nơi đây sẽ là không gian tổ chức các sự kiện về sách, giao lưu tìm hiểu tác giả, tác phẩm và là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ như: CLB sáng tác trẻ, CLB sưu tập sách, CLB sưu tập tem, postcard, tiền xưa... lâu nay vẫn tụ họp ở Vũng Tàu. Đường sách Vũng Tàu được đầu tư theo mô hình xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ cấp mặt bằng.
Trước khi chính thức hoạt động, Đường sách Vũng Tàu sẽ ra mắt công chúng bằng chương trình Hội sách xuân Mậu Tuất 2018 khai trương vào 27 tháng chạp (12-2) đến mùng 10 tháng giêng (25-2-2018), với các hoạt động bày bán sách, cà phê sách, tổ chức khu vẽ tranh tô tượng cho thiếu nhi...
L.Điền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận