Theo Hội tim mạch VN, cứ 4 người trên 25 tuổi thì ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà nguyên nhân chính là do chế độ ăn (ngọt, béo) và lối sống ít vận động, ăn nhậu, hút thuốc lá.
Đừng xử ép “thằng” cholesterol
Trong 30 năm qua, hệ thống sản xuất thực phẩm của Mỹ đã thực hiện chế độ “low fat”-ít béo và thay bằng dầu xà lách, dầu bắp. Thế rồi sau 3 thập niên cổ động “low fat”, số người béo phì, tiểu đường và số tử vong vì bệnh tim mạch vẫn tăng lên. Hiện tại có 75 triệu người Mỹ bị bệnh tim mạch, 20 triệu bị bệnh tiểu đường, và 57 triệu bị “tiền tiểu đường”.
Khi đi tìm nguyên nhân của bệnh tim mạch, người ta lại đổ tội lên đầu cholesterol, cụ thể là “cholesterol xấu” LDL. Nhờ thế, 25% dân Mỹ kéo nhau đi uống statin (thuốc trị cholesterol) một cách trung thành, làm giàu cho các hãng thuốc sau khi đã làm giàu cho các hãng sản xuất thực phẩm! Tuy nhiên, uống gì thì uống, số người chết vì bệnh tim mạch vẫn tiếp tục tăng. Chưa kể, vì hệ quả của hội chứng mỡ đường máu và thuốc statin, hằng triệu người đàn ông bị yếu sinh lý, lại làm giàu cho hãng sản xuất thuốc Viagra. Đương nhiên cholesterol không phải là kẻ trắng án, tuy nhiên phải công bằng với nó: 70% cholesterol do cơ thể tự sản xuất, chỉ có 30% là từ thực phẩm mà thôi. Vấn đề lại nằm ở những tổn thương viêm trong mạch máu, để rồi cholesterol (cụ thể là LDL) mới dính bám vào đó mà hình thành mảng vữa xơ, làm nghẽn mạch. Cũng vì mảng vữa xơ mới phát động phản ứng đông máu, tạo ra cục máu đông, gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Vì “em” ngọt ngào nên vô số tội
Viêm nhiễm trong mạch máu cũng có thể gây ra bởi stress, nhưng phần lớn vẫn từ đồ ăn mà đường là thủ phạm chính, cộng thêm các loại dầu có nhiều omega-6. Những “chất độc” này đã khiến cho mạch máu đang trơn, nhẵn trở nên xù xì, giống như một tờ giấy nhám. Đây là cơ hội để mỡ bám vào lòng mạch.
Khi bạn ăn một thực phẩm có lượng đường cao, tuyến tuỵ của bạn sẽ tiết ra chất insulin để đưa đường từ máu vào trong tế bào, vì tế bào cần đường để làm năng lượng tiêu dùng. Tuy nhiên lượng đường thặng dư sẽ trôi lờ đờ trong mạch máu chờ được “hoá kiếp” ra mỡ, trong đó có cả cholesterol xấu. Chưa kể khi ăn nhiều đường quá mà insulin không kham nổi, thì đường sẽ được “phóng sinh” ra nước tiểu, gọi là… tiểu đường!
Trong khi rách việc, những phân tử đường lửng lơ này sẽ “rim ngọt” các tế bào trên vách mạch máu, giống như hiệu ứng thắng đường để kho tàu tôm thịt. Khi đường “kẹo” lại, bám vào mạch máu, nó đã tạo ra một tờ giấy nhám dán vào lòng mạch.
Bên cạnh đường, một kẻ a dua là chất béo. Quan niệm cũ chỉ phân biệt chất béo làm hai loại- mỡ và dầu, cho rằng mỡ là xấu và dầu là tốt. Tuy nhiên ngày nay chất béo được chia làm hai loại: omega-3 là loại tốt, và omega-6 không được tốt lắm. Từ omega-6, cơ thể tạo các hormone gây đau và viêm xoang gọi là prostaglandins. Cơ thể không cần nhiều omega-6, và phải có sự cân bằng giữa hai loại chất béo này theo tỉ số omega-6/omega-3 từ 1/15 đến 1/30 thì mới an toàn cho sức khỏe.
Hiện nay tỉ số hai loại mỡ trong máu của dân Mỹ là 3/1, quá nhiều omega-6. Nhiều chất omega-6 cũng giống như những cây dũa sắt tiếp tay với “giấy nhám đường” làm xơ hoá mạch máu. Ngoài ra omega-6 còn chiếm lấy hết các enzym và vitamin cần thiết, khiến omega-3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo trong việc bảo vệ tim mạch, và còn có thể gây nên cơn đau nhức, viêm sưng. Omega-6 có nhiều trong dầu bắp, dầu xà lách, và dầu đậu nành. Trong khi một muỗng mỡ heo chỉ có 20% omega-6. Vì thế, so với một muỗng dầu omega-6 thì một muỗng mỡ hay một muỗng bơ lại an toàn hơn. Tốt hơn hết là nên dùng dầu olive, chứa nhiều omega-3 để nấu nướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận