Ph...ơ...ở! Đó là cách Đại Bàng - anh chồng xứ chuột túi của tôi - phát âm tiếng Việt quê hương vợ mỗi khi nhắc đến phở, rất dài như ngân nga nỗi thèm thuồng. Cũng may là Đại Bàng vẫn mê cơm, khoái phở vợ Việt nấu chứ chưa "chán cơm thèm phở" bên ngoài...
1. Dân Úc rặt nhưng Đại Bàng mê hương vị phở đắm đuối. Mũi cũng thính, chỉ cần ngửi thấy mùi quế, hồi, thảo quả nướng thơm lừng gian bếp là biết ngay sẽ có món phở cho bữa chính trong ngày. Mỗi lần về quê hương vợ ở Việt Nam, gia đình Đại Bàng bước ra ngõ là có phở ăn rồi.
Hai bạn nhỏ nhóc con tôi cũng mê phở, ăn quen đến nỗi chủ quán chỉ cần thấy bóng dáng là biết: một tô đặc biệt bự thiệt bự, một tái nhiều hành và hai tái bằm "trẻ em" (ý là hai tô phở tái thịt bằm dành cho trẻ em).
Gia đình tôi thương nhớ hương vị phở Việt mặc dù mỗi năm chỉ về Việt Nam một thời gian ngắn bên ông bà ngoại.
Brisbane xứ Úc xưa còn hiếm hoi nhà hàng Việt. Mỗi lần muốn ăn một tô phở tạm gọi là được thì chúng tôi phải đi rất xa. Do gia đình tôi ở phía bắc thành phố, ít người Việt sinh sống nên hàng quán cũng bị hạn chế.
Phở ở đây chủ yếu nấu theo vị miền Nam, ngọt đường nhiều. Giờ kiều bào từ khắp Việt Nam sang đây định cư, lập nghiệp, hàng quán cũng nhiều hơn nên sự chọn lựa khẩu vị cũng nhiều hơn.
Người Úc dù quen hay lạ, khi biết tôi là người Việt thì hay nhắc đến phở và tò mò muốn biết quán nào ngon nhất để thử. Thật khó để giới thiệu cho họ bởi phở công thức và phở nấu bằng đam mê có vị khác nhau nhiều lắm.
2. Muốn ăn phở chờ và tùy hứng vui buồn hay thậm chí giận dỗi thì ghé Phoever ở Banyo. Quán trang trí sơ sài, chủ quán là hai vợ chồng tuổi trung niên gốc miền Tây. Chị vợ hiền lành, hay cười, dáng cung cúc tất bật, chịu khó.
Anh chồng tưng tửng vui thì nói cười, buồn thì lườm nguýt hay hờn dỗi hoặc không thì quăng lơ ngoăn ngoắt chẳng vì lý do gì. Phở ở đây tạm ngon. Chờ hơi lâu vì một bếp một chạy bàn nên có thời gian thì ngồi chờ cũng được. Vội thì đừng vào vì bạn sẽ dễ nổi cáu.
Phở ở khu người Việt tập trung đông nhất là Inala. Có hơn chục quán Việt nên cứ việc thoải mái lựa chọn. Nhân viên và chủ đều vui vẻ, chiều khách. Phở ở đây mang vị miền Nam Việt Nam rất đậm, ăn xong khát nước cả ngày. Tô phở thì to như... cái thau, thanh niên đang tuổi lớn chắc chắn là vui vì đảm bảo no rất lâu.
Phở cũng khá đầy đủ tái, nạm, bò viên, thập cẩm đặc biệt, gà... Rau và gia vị ăn phở cũng đầy đủ không kém như giá tươi, ngò gai, rau húng quế, rau om, hành lá, tương ớt, tương đen, sa tế... kiểu nào cũng có.
Đại Bàng, anh chồng người Úc của tôi, cũng "biết ăn" lắm, ngoài việc thuần thục cầm đũa gắp cọng bánh phở trơn tuột thì luôn xin thêm một cái chén nhỏ để pha tương chấm thịt: tương đen, tương ớt, vắt thêm miếng chanh, trộn đều...
Thế là không một miếng thịt nào thoát cái chén xốt chấm thần thánh ấy! Nước lèo sẽ được húp đến giọt cuối cùng.
Phở mang vị Bắc cũng có một vài quán tương đối. Nhưng rồi phong vị cũng không bền. Trước đây ở Logan có một quán cũng be bé xinh xinh của một cô rất Bắc. Ngoài những món đặc trưng của ẩm thực Bắc thì phở có vị thanh tao là một trong những món tôi thích. Vì muốn giữ được chất thuần vị ẩm thực Việt nên cô cũng rất cầu kỳ trong khâu chuẩn bị.
Cô bảo: "Em cứ tỉ mỉ chút để khách được ăn đúng miếng ngon, chị ạ!". Nhưng rồi cái tỉ mỉ ấy cũng không thắng nổi hoàn cảnh, quán cô mở một thời gian ngắn thì đóng cửa. Nhiều người quen ăn ở quán cô đều tiếc.
3. "Bật mí" là ngày xưa tôi cũng từng mở quán và trong đó có phở. Bởi lòng tự hào dân tộc và muốn giới thiệu cho khách các món thuần Việt "authentic", tôi cũng chăm chút giữ hương vị đặc trưng và tự tay pha chế, ướp trộn.
Nhật báo Courier Mail của tiểu bang Queensland đã ưu ái dành hẳn một trang báo viết về quán của tôi và chấm điểm toàn diện 8/10.
Có lần một bà khách đến ăn rồi nhận xét: "Nước phở của cô tôi cam đoan là không bỏ bột ngọt. Vị nước rất thanh ngọt của xương hầm kỹ!".
Nghe mà tôi sướng run. Đúng vậy, vì bản chất tôi dị ứng bột ngọt rất nặng nên không bao giờ nêm nếm bằng bột ngọt. Kể cả mở quán, tôi vẫn tuân thủ nói không với bột ngọt, không kiếm lời bằng vị giả tạo. Khách nhận biết tinh tế như vậy thì không còn gì vui bằng.
Năm 2020, truyền hình Úc có chương trình thi tài ẩm thực "Plate of Origin" (tạm dịch: Món ăn chính gốc). Đội Việt Nam do hai người bạn Thanh và Duncan thuộc thế hệ thứ hai người Việt định cư tại Úc đã chế ra món phở Pie (Bánh nướng vị phở) và chiếm ưu thế vào vòng chung kết của cuộc chơi.
Bánh nướng vị phở là sự kết hợp khéo léo của ẩm thực Việt Nam và phương Tây. Vỏ bánh thơm mùi bơ và giòn rụm, phần nhân bên trong lại thơm lừng vị phở thân quen khiến ba vị giám khảo khó tính đều phấn khởi gật đầu đồng ý cho điểm tuyệt đối.
Tôi cũng tò mò và làm thử, quả là một sự kết hợp tuyệt vời. Cả nhà không những thích mà còn... mê tuyệt cú mèo.
Phở - món ăn đơn giản nhưng lại vô cùng tinh tế. Vị đặc trưng của hồi, quế, thảo quả, hạt ngò, miếng gừng nướng đập giập, củ hành qua lửa cho cháy sém...
Tất cả quyện lại cùng với nước xương sơ chế hầm kỹ, chắt lọc kỹ càng, nêm nếm vừa miệng; sợi phở mềm, dai và miếng thịt ngọt thơm chất lượng kèm với các gia vị tươi xanh làm nên tô phở ăn để nhớ suốt đời...
Loanh quanh quán xá, cuối cùng thì anh Đại Bàng và bọn nhỏ nhà tôi gác đũa nhõng nhẽo bảo: "Vẫn là mẹ nấu phở ngon nhất. Tại sao mình phải ra quán để ăn?". Ờ nhỉ!
Chắc cuối tuần này lại phải bắc bếp rồi. Tự dưng nghe đến ấm bụng, mùi phở lại tỏa hương ngào ngạt mọi ngõ ngách trong nhà, tô chén leng keng, cả nhà chộn rộn, háo hức. Phở mẹ nấu, sáng trưa chiều tối, ăn vẫn ngon vẫn thèm và đậm đà nỗi thương nhớ quê nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận