Nào thịt bò, nào gân bò, túi bò viên nho nhỏ, nào gừng, hành lá, ngò thơm, bánh phở… - Ảnh minh họa: C.K.
Ngày ấy, mỗi tháng bố tôi lãnh lương, ít nhiều gì bố cũng ghé chợ mua về không gì khác ngoài cân thịt bò, hai ký bánh phở, nắm hành ngò, húng quế, củ gừng… để chị tôi với mẹ tôi nấu nồi phở cho cả nhà cùng thưởng thức, vì tiền nào cho nổi nếu kéo cả nhà vào tiệm ngồi ăn.
Chúng tôi thích lắm, dù nồi phở khi ấy chẳng đủ đầy gân bò, xương xẩu để có tô xí quách cho bố nhâm nhi.
Khi bố tôi về hưu cũng là lúc chị em tôi lần lượt lớn lên, người đi làm, đứa còn đi học… Lúc ấy tôi cũng chập chững bước lên bục giảng ở một trường trung học gần nhà.
Khoảng thập niên 1980, giáo viên còn rảnh rỗi, chưa lắm sổ sách và công việc như bây giờ nên thú viết lách của tôi có thời gian múa máy. Tôi cặm cụi viết bài gửi báo!
Bài đầu tiên trong đời tôi được đăng trên tờ Tuổi Trẻ, chỉ ngắn chưa đến gang tay nhưng được chín đồng bạc nhuận bút!
Đi lãnh về, tôi khoe cả nhà. Bố tôi vừa cười vừa nói nửa đùa nửa thật: "Làm nồi phở ăn đê". Tôi sáng mắt lên "Vâng" rõ to!
Tôi gửi mẹ cả chín đồng để ngay hôm sau mua các thức về tối nấu nồi phở cả nhà cùng ăn (chắc mẹ tôi cũng phải bù thêm vài đồng mới đủ)! Ăn phở buổi tối vì ban ngày còn đi học đi làm, và chỉ tối mới có thời gian dài ngồi thưởng thức.
Sáng hôm sau mẹ tôi ra chợ mua các thứ về. Nào thịt bò, nào gân bò, túi bò viên nho nhỏ, nào gừng, hành lá, ngò thơm, bánh phở…
Bây giờ, khi chị em quây quần bên chiếc bàn tròn, ở giữa để chiếc bếp cùng nồi nước lèo sôi sùng sục đủ đầy gân, xương… lại thấy chạnh lòng - Ảnh minh họa: C.K.
Hôm ấy bố mẹ tôi vui hẳn, hai người hì hụi hết trong bếp lại ra vại nước rửa thịt, rửa gân, thái thái, đun đun, nướng gừng nướng hành… Bảo nhau vớt bọt cho trong nước… Ninh nấu từ trưa để chiều tối cả nhà được nồi phở ngon!
Chiều chị em tôi đi làm, đi học về, đến cửa đã hít hà mùi nước phở thơm tho của quế, của gừng nướng, của hành, của ngò… từ nhà bếp tỏa lên hòa quyện vào nhau mà ứa nước chân răng.
Mẹ tôi đun sẵn nồi nước, chỉ chờ chúng tôi về là chần chỗ bánh phở đã được hai người rảnh rỗi ở nhà gỡ tơi từng sợi. Chồng bát to đã bày sẵn.
Trong khi chúng tôi thay quần áo, rửa mặt mũi thì hai người bốc bánh ra bát, xếp vài miếng thịt bò với đúng một miếng bò viên nho nhỏ lên cạnh bát…
Chúng tôi vào đến bàn thì mẹ chỉ việc cầm muôi múc nước lèo trong nồi đang sôi sùng sục cùng đúng một miếng gân bò vàng vàng nở mềm chan lên. Bố nhanh tay bốc nắm hành lá được cắt nhỏ lẫn ít ngò rắc vào giữa bát phở thơm tho ấy.
Chúng tôi xuýt xoa vắt thêm vài giọt chanh, rắc chút hạt tiêu vào, dùng đũa đảo đều rồi xì xụp vừa ăn vừa trò chuyện. Bố tôi cứ tấm tắc "phở nhuận bút ngon quá"!
Cứ thế, năm thì mười họa có bài được đăng báo, tôi lãnh tiền về khoe, bố lại nói vui, "làm nồi phở ăn đê".
Dù sau này không còn quá khó khăn như trước nữa, thi thoảng nhà vẫn nấu nồi phở ngon hơn xưa, ăn no bĩnh bầu, nhưng thói quen, tôi lại đưa mẹ tiền nhuận bút để làm nồi phở chứ không phải món gì khác.
Một phần cũng do chúng tôi đi làm quên cả ngày nghỉ, chẳng có thời gian chở bố mẹ đi tiệm ăn được bao lần, cơm áo gạo tiền cứ đuổi dí sau lưng ngay cả những năm cuối của thế kỷ trước.
…
Nay bố mẹ tôi không còn. Thi thoảng lên phố lãnh tiền nhuận bút từ một bài báo nào đó, ghé ăn bát phở nóng của một quán quen thuộc, tôi vẫn không bao giờ quên câu nói vui của bố: "Làm nồi phở ăn đê".
Những dịp lễ Tết, đặc biệt ngày cúng tất niên mỗi năm, chị em chúng tôi không thể nào quên nồi phở để cúng bố mẹ… Khi chị em quây quần bên chiếc bàn tròn, ở giữa để chiếc bếp cùng nồi nước lèo sôi sùng sục đủ đầy gân, xương… lại thấy chạnh lòng.
Bởi ngày xưa ấy mỗi khi nhà nấu phở, nồi nước phở phải để dưới nhà bếp mới có lửa cho nóng, khi ăn phải đi lên đi xuống vất vả làm sao, và cũng chả có gì nhiều trong nồi nước để khoắng chiếc muôi…
Mời bạn tham gia cuộc thi "Kể chuyện về phở"
là chuỗi sự kiện do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2017, phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Năm nay, gala chuỗi sự kiện dự kiến tổ chức tại Nam Định từ ngày 10 đến 12-12, với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Nam Định, cùng sự đồng hành chính thức của Acecook Việt Nam, cùng các đơn vị đồng hành: No.1, Sasco, tương ớt CHINSU, Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty Quân Phạm…
Báo phát động cuộc thi viết về phở với chủ đề "Kể chuyện về phở" từ ngày 28-10-2022 đến hết ngày 5-12-2022.
Đối với ba tác phẩm đoạt giải cao nhất trong vòng chung kết: Tác giả sẽ được mời ra Nam Định dự gala Ngày của phở 12-12 và sẽ thực hiện phần thi "Kể chuyện về phở" trực tiếp tại sự kiện, để ban giám khảo chọn ra người viết và kể chuyện về phở xuất sắc nhất.
Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12, diễn ra ngày 11-12-2022 tại Nam Định, bao gồm:
- 1 giải nhất cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải nhì cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 5 triệu đồng.
- 1 giải ba cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 3 triệu đồng.
- 10 giải khuyến khích cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 1 triệu đồng/giải.
Bài dự thi cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" vui lòng gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ngoài bì thư ghi rõ tham gia Cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" (đ/c: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc gửi email theo địa chỉ: [email protected].
Mời bạn xem thêm thể lệ .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận