Phó giáo sư Đặng Anh Đào mất tại Hà Nội do tuổi cao, sức yếu. Lễ viếng PGS.TS Đặng Anh Đào diễn ra vào 7h15 ngày 15-1 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Anh Đào sinh năm 1934, nguyên là giảng viên khoa ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn, dịch giả được nhiều người biết đến, với các tác phẩm Tài năng và người thưởng thức, Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX, Truyện ngắn phương Tây…
Các tác phẩm hồi ký của bà gồm có Tầm xuân (2005), Hoài niệm và mộng du (2018), Nhớ và quên viết cùng chồng là Trung tướng Phạm Hồng Sơn...
Phó giáo sư Đặng Anh Đào - người thầy mẫu mực
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá phó giáo sư Đặng Anh Đào là một nhà nghiên cứu xuất sắc, giảng dạy về văn học Pháp, có nhiều đóng góp cho nghiên cứu văn học Pháp ở Việt Nam.
Giống như chị của bà - phó giáo sư Đặng Thị Hạnh ở khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và những chị em gái khác, phó giáo sư Đặng Anh Đào rất thông thạo tiếng Pháp, có tâm hồn văn chương. Những cuốn hồi ký, truyện của bà đều gây xúc động cho nhiều thế hệ độc giả.
Với vai trò là một nhà giáo, bà Đặng Anh Đào cùng các chị em của mình hay các đồng nghiệp nữ cùng thế hệ như phó giáo sư Lê Hồng Sâm đã làm nên một thế hệ những nhà giáo, nhà nghiên cứu nữ rất xuất sắc, những nhà nghiên cứu văn học Pháp rất Pháp.
Họ không chỉ giảng dạy mà còn nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu của mình vào trong giảng dạy, đào tạo được nhiều học trò xuất sắc.
Phó giáo sư Đặng Anh Đào và công lao bảo vệ những giá trị mới
Ông Phạm Xuân Nguyên đánh giá đóng góp đặc biệt quan trọng của bà Đặng Anh Đào ở vai trò một nhà nghiên cứu, sớm nắm bắt cái mới và ủng hộ cái mới trong văn chương.
Cùng với những đồng nghiệp cùng thời như phó giáo sư Đặng Thị Hạnh, giáo sư Đỗ Đức Hiểu, nhà giáo nhân dân Lê Hồng Sâm, giáo sư Phùng Văn Tửu… bà đã từ nghiên cứu văn học nước ngoài trở về đổi mới nghiên cứu văn học trong nước.
Bằng tiếng nói học thuật uy tín trong lĩnh vực văn học nước ngoài, những lý thuyết văn học nước ngoài bà đã soi chiếu vào văn học trong nước, giúp đánh giá đúng đắn những hiện tượng văn học mới thời kỳ văn học đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp.
Bà có công rất lớn trong việc bảo vệ những hiện tượng mới, giá trị mới của văn học trong nước, đặc biệt là trường hợp Nguyễn Huy Thiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận