Đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân là một trong các giải pháp để TP.HCM kiểm soát, từng bước đẩy lùi dịch bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 18-8, Tuổi Trẻ Online trao đổi với ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, kiêm tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn điều trị COVID-19 - về các vấn đề trong tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM đang bước vào cao điểm 1 tháng hành động kiểm soát tình hình dịch bệnh.
* Việc chuyển đổi từ 5 tầng xuống 3 tầng điều trị, theo ông có làm thay đổi cục diện chiến lược điều trị của TP.HCM bấy lâu nay không?
- Việc thay đổi này chỉ là sự sắp xếp lại nhằm thống nhất và phù hợp với định hướng chung trong phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bộ Y tế.
Trong đó tầng 1 so với trước có sự khác biệt là được bổ sung việc chăm sóc điều trị F0 tại nhà. Nói là điều trị F0 tại nhà nhưng có nhiều trường hợp điều kiện nhà cửa không phù hợp vẫn phải chuyển đi cách ly tập trung để tiện chăm sóc.
Thử nghĩ xem nếu tất cả F0 đều được chuyển vào các cơ sở y tế sẽ ra sao? Điều này tạo áp lực rất lớn về mặt số lượng, cũng như chất lượng chăm sóc. Do đó việc chăm sóc điều trị F0 tại nhà chắc chắn sẽ làm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị.
* Trong cuộc làm việc với TP.HCM ngày 17-8, bộ trưởng Bộ Y tế có đề xuất khi phát hiện F0 ở nhà nào, phải tổ chức khoanh vùng luôn ngôi nhà đó, đồng thời phát túi thuốc chăm sóc điều trị và túi an sinh cho người bệnh sử dụng trong vòng 1 tuần. Ông thấy liệu ngành y tế TP.HCM có đảm bảo được yêu cầu này không?
- Gợi ý này hoàn toàn phù hợp và thực tế TP.HCM đã có sự chuẩn bị trước đó. Vấn đề quan trọng hiện nay ở khâu thực hiện sao cho đảm bảo tốt nhất để người bệnh yên tâm ở yên trong nhà điều trị, và diễn biến bệnh không xấu đi.
Và để làm được điều này, tôi cho rằng ngoài túi thuốc điều trị (bắt buộc), cần phải đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tối thiểu từ bữa ăn đến giải đáp gỡ rối kịp thời các thắc mắc mà người bệnh gặp phải.
Khi F0 chăm sóc tại nhà cũng cần có các cảnh báo để tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng, tổ phản ứng nhanh nắm cụ thể, cùng giám sát theo dõi sát tình trạng của người bệnh. Khi xây dựng nghị quyết 86 của Chính phủ, TP.HCM đã đưa các nội dung này vào kế hoạch và đang sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Túi thuốc được các lực lượng tình nguyện mang đến tận nhà của từng F0 đang cách ly điều trị - Ảnh: T.T
* Thời gian qua ngành y tế có nhiều văn bản cập nhật hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, trong đó có đề cập nhiều toa thuốc có sử dụng các thuốc kháng viêm và kháng đông. Đang có tình trạng người dân đổ xô đi mua trữ các loại thuốc này để "phòng thân"…
- Các hướng dẫn này được coi là "túi thuốc căn bản" của các F0 khi điều trị tại nhà. Đã là thuốc khi sử dụng cần có sự chỉ định của bác sĩ trực tiếp theo dõi giám sát, chứ không phải F0 nào cũng có thể uống và uống cùng một liều lượng giống nhau.
Hiện trong các loại thuốc được hướng dẫn có thuốc kháng virus Remdisivir từ chương trình của Bộ Y tế vừa cập nhật. Loại thuốc này hiện không mua bán trên thị trường, người bệnh cần cảnh giác kẻo bị đối tượng xấu lợi dụng tiền mất tật mang. Tôi xin khẳng định thuốc này từ nguồn Bộ Y tế cấp và sẽ được chuyển đến tận tay người bệnh theo hệ thống chăm sóc sức khỏe của TP.
* Ca mắc cộng đồng đang tăng, ông có thể cho biết nguyên nhân do đâu và giải pháp đưa ra là gì?
- Việc các ca cộng đồng tăng là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên việc tăng không phải đột biến, đều nằm trong dự báo. Một trong số các nguyên nhân khiến F0 cộng đồng tăng đó là TP đang trong tuần lễ tăng cường xét nghiệm phát hiện sớm, bóc tách các F0 trong cộng đồng, tăng "vùng xanh" và dần đi đến làm giảm "vùng đỏ".
Để kiểm soát tình hình, theo tôi không còn cách nào khác chúng ta phải tiếp tục thực hiện giãn cách thật nghiêm; chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ; xét nghiệm nhanh; giảm số ca tử vong và đẩy mạnh tiêm vắc xin...
Đã cố rồi, cố thêm chút nữa
* Thời gian qua ngành y tế liên tục có các văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế phải thường trực 24/7 và phải tiếp nhận bệnh (cả mắc COVID-19 và thông thường). Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có chỉ đạo như trên và đề nghị xử lý cơ sở y tế không tiếp nhận bệnh nhân. Tuy vậy thực tế các bệnh viện cũng đang "kêu" quá tải cả nhân lực lẫn vật lực để tiếp nhận…
- Tôi rất hiểu điều đó và thực sự trân trọng tất cả đội ngũ y tế thời gian qua đã rất nỗ lực vì người bệnh. Dù không ai nói ra nhưng tôi đã thấy rõ sự mệt mỏi trên từng nét mặt mỗi người; thấy rõ sự đau xót khi nỗ lực hết mình nhưng nhiều người bệnh không thể qua khỏi.
Tuy vậy, ở đâu đó vẫn còn một số cơ sở y tế, một số nhân viên y tế, ở trong một thời điểm nào đó có những phát ngôn từ chối, khuyên người bệnh đi chỗ khác điều trị. Việc này từ góc độ của ngành y tế hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Tôi mong rằng từng cơ sở y tế, từng nhân viên y tế đã nỗ lực hãy cùng nhau cố thêm chút nữa để cứu chữa người bệnh trong 1 tháng trọng điểm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận