Buổi giám sát giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP.HCM với UBND TP về thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2023 tổ chức sáng 7-5.
TP.HCM phát triển không gian ngầm ra sao?
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề về quy hoạch không gian ngầm. Ông cho rằng quy hoạch không gian ngầm đối với một đô thị cực kỳ quan trọng, là nguồn lực, nguồn tài nguyên phát triển "vừa lên trời, vừa xuống đất".
Cần làm rõ những trở ngại trong việc quy hoạch không gian ngầm cũng như những vấn đề phát sinh cho việc xây dựng công trình của TP. “Chúng ta cho bất động sản lên trước, đã xây dựng rồi thì có chỏi nhau giữa phát triển bất động sản và quy hoạch không gian ngầm không?”, ông Nghĩa trăn trở.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa thắc mắc nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt vừa qua có xử lý vấn đề sụt lún, xử lý rác thải và chống ngập của TP hay không, bởi đó là những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sự phát triển bền vững của TP.
“TP.HCM xử lý nghịch lý này thế nào bằng con đường quy hoạch. Quy hoạch khi điều chỉnh phải có giải pháp xử lý gốc vấn đề đô thị cho một đô thị hơn 10 triệu dân”, ông Nghĩa nói.
Với phát triển không gian ngầm, ông Trương Trung Kiên - phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM - cho biết không gian ngầm đô thị gồm 2 thành phần: không gian công cộng và không gian ngầm của các dự án, công trình.
Những thành phần này đều được tính toán để không chồng chéo nhau. Hiện nay, dự án metro của TP đều tuân thủ các quy định liên quan, lấy ý kiến nhiều bên để đánh giá, xác định phạm vi ảnh hưởng, tránh tác động đến không gian ngầm chung của đô thị.
Khi điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị, nội dung về không gian ngầm sẽ được làm đầy đủ. TP sẽ xác định khu nào khuyến khích phát triển, khu nào cần hạn chế, khu nào không được làm theo cả chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu. TP cũng tính toán việc kết nối không gian ngầm các công trình với không gian ngầm công cộng.
Và để phát triển không gian ngầm, lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho rằng TP cần đặt ra các giải pháp giải quyết vấn đề sụt lún, ngập úng và thoát nước.
Thực tế sụt lún là hiện tượng TP.HCM đang gặp phải. Thời gian dài qua, TP có nơi sụt lún lên tới 81cm, nơi thấp nhất là 1,99cm, tính trung bình là khoảng 23,27cm. Cộng hưởng với đó là các hiện trạng lượng nước mưa tăng đột biến, mực nước sông dâng cao hơn bình thường.
Vận dụng nghị quyết 98 gỡ khó cho công tác triển khai quy hoạch
Đặt vấn đề giám sát, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Hùng cho rằng việc lập quy hoạch hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện. Dù có trong quy hoạch nhưng ví như các công trình phúc lợi công cộng, các khuôn viên cây xanh, đường dự phóng… khi tổ chức triển khai thực hiện, quy hoạch vẫn chưa thực hiện được và chưa có nguồn lực để triển khai đồng bộ.
Ngoài ra, trong việc lập và điều chỉnh quy hoạch có khâu lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tuy nhiên thực tế việc lấy ý kiến thời gian qua rất sơ sài, người dân cũng tham gia chừng mực, thời gian tổ chức lấy ý kiến còn cập rập.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận để đánh giá về công tác quy hoạch, phải đánh giá dài hơn. Bởi việc tổ chức thực hiện quy hoạch tùy từng giai đoạn và các quy định pháp luật ở giai đoạn đó.
Tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch thường gắn với dự án đầu tư. Để có dự án đầu tư phải chấp thuận chủ trương đầu tư, mà để chấp thuận chủ trương đầu tư, đủ các vấn đề phức tạp. “Không chỉ quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị như ta đang làm mà để chấp thuận chủ trương đầu tư thì tất cả quy hoạch phải đồng bộ”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, quy hoạch chung xây dựng của TP theo quyết định 24/2010 đến nay mới điều chỉnh dẫn đến có công trình lớn hoặc một số dự án muốn tổ chức thực hiện lại không đồng bộ được quy hoạch.
Cách thức tổ chức lập, điều chỉnh, rà soát, tổ chức thẩm định… rất khó khăn dẫn đến việc chúng ta tổ chức thực hiện quy hoạch trải qua các thời kỳ, tính khả thi không cao. Đó là điều TP.HCM luôn trăn trở và tìm các giải pháp, trong đó có vận dụng đưa ra các đề xuất từ cơ chế của nghị quyết 98.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận