Phó giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Đình Dương trao đổi như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4 và huyện Nhà Bè của tổ đại biểu số 9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ngày 5-12.
Không có chuyện căn cước công dân đến tháng 7-2024 hết giá trị
Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri quan tâm đến việc thu thập dữ liệu mống mắt khi làm căn cước theo Luật Căn cước vừa được thông qua.
Cử tri Đỗ Hùng Chí (phường 6, quận 4) băn khoăn luật mới yêu cầu bổ sung thông tin mống mắt, vậy người đang dùng thẻ căn cước công dân gắn chip có phải bổ sung thông tin này không?
Mặt khác, các trang thiết bị dùng để thu thập mống mắt có đảm bảo và có chuyện quá tải khi phải đồng loạt đổi căn cước như trước đây hay không?
Cử tri Trần Thị Thanh (phường 10, quận 4) cho biết khi Quốc hội thông qua luật, người dân hoàn toàn chấp hành và mong rằng đây là sản phẩm cuối cùng để tránh tốn thêm nhiều thời gian, kinh phí và công sức của người dân và các lực lượng chức năng.
Trao đổi lại với cử tri, thượng tá Nguyễn Đình Dương - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho hay thẻ căn cước công dân còn hiệu lực sẽ sử dụng bình thường, không có việc đến tháng 7-2024 hết giá trị.
Theo ông Dương, trên thẻ căn cước công dân có ghi thời hạn sử dụng phía dưới ảnh chân dung, góc trái dưới thẻ. Vì vậy, người dân có nhu cầu đổi thẻ hoặc thẻ hết hạn mới bổ sung đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học, trong đó có mống mắt.
Bộ Công an sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện cơ sở dữ liệu làm căn cước công dân.
Ông Dương cũng khẳng định: "Việc đổi căn cước có bổ sung dữ liệu mống mắt sẽ làm theo lộ trình nên không lo chuyện quá tải".
Sẽ có nghị định hướng dẫn
Phát biểu sau đó, bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác.
Đối với Luật Căn cước cho phép bổ sung dữ liệu mống mắt vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, bà Tuyết cho biết Chính phủ sẽ ban hành nghị định và Bộ Công an sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Trước mắt, người dân không phải lo lắng sắp tới sẽ thực hiện như thế nào. Khi có văn bản hướng dẫn, các ngành chức năng sẽ phối hợp địa phương thông tin đầy đủ về cách thức tiến hành, thời gian thực hiện cũng như việc lấy dữ liệu mống mắt có kết hợp với việc đổi căn cước công dân hay không.
Thu thập cả thông tin mống mắt trong cơ sở dữ liệu căn cước
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước. Theo đó, Luật Căn cước mới vừa được thông qua đã nêu rõ các trường thông tin thay đổi thể hiện trên thẻ căn cước.
Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Như vậy so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên căn cước.
Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận