20/08/2017 09:39 GMT+7

Phố đi bộ, phố sách, phố vàng bạc...phố - chợ trong lòng phố

NHƯ BÌNH - 
MAI HƯƠNG - MAI HOA
NHƯ BÌNH - 
MAI HƯƠNG - MAI HOA

TTO - Tối nay 20-8, đường Bùi Viện - khu phố Tây, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - chính thức trở thành phố đi bộ Bùi Viện. Phố dài 850m từ mũi tàu đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo đến đường Cống Quỳnh (P.Phạm Ngũ Lão).

Phố đi bộ Bùi Viện, Q.1, TP.HCM thu hút nhiều du khách tối 19-8 - Ảnh: HỮU THUẬN
Phố đi bộ Bùi Viện, Q.1, TP.HCM thu hút nhiều du khách tối 19-8 - Ảnh: HỮU THUẬN

“Thời đại bây giờ khác trước rồi. Nếu chỉ kinh doanh bằng uy tín cá nhân không thôi thì khó lòng phát triển, khó tiếp cận khách du lịch và thị trường ngoài nước. Việc thành lập phố chuyên doanh mang đến nhiều lợi ích.

Ông Lê Quốc Thành - giám đốc Công ty TNHH MTV nữ trang Phú Thành

Trên cơ sở những đường - phố truyền thống, gần đây chính quyền và người dân Hà Nội cùng TP.HCM đã hợp tác để cho ra đời những đường - phố chuyên doanh, đặc thù.

Phố - chợ trong lòng đô thị không chỉ là quan hệ thương mại, dịch vụ mà còn là sản phẩm du lịch mới, một thiết chế văn hóa mới.

Từ hợp sức của cộng đồng

Vào đêm ra mắt phố đi bộ Bùi Viện, hai sân khấu trước số 33 và 202-204 sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra còn có các hoạt động ẩm thực đường phố, thể thao, trò chơi dân gian...

Trước đó vào đêm 15-7, dù chưa chính thức ra mắt nhưng Q.1 vẫn thử nghiệm cấm xe từ 19h đến 2h sáng các ngày thứ bảy và chủ nhật.

UBND Q.1 cho biết quá trình thi công đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân. Toàn bộ vỉa hè của tuyến phố được lát mới và lắp đặt triền lề bằng đá granite, sửa chữa hầm ga thu nước hiện hữu.

Quận đang chỉnh trang nâng cấp đồng bộ các tuyến hẻm nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo hình ảnh khu vực trung tâm du lịch xanh, sạch, đẹp.

Kể từ khi cấm xe vào phố đi bộ, nhiều hộ kinh doanh đã có lợi nhuận tăng hơn 50% so với trước.

Trên con đường này san sát quán xá, bar, khách sạn, cà phê, dịch vụ massage... tạo thành phố mua sắm sầm uất, đặc trưng.

10h tối các ngày trong tuần, đường Bùi Viện có một không gian hoàn toàn khác biệt với những con phố khác với tiếng nhạc sôi động, khách thong dong vui chơi, mua sắm.

Mọi hoạt động tưởng chừng rất xô bồ, nhộn nhịp nhưng lại diễn ra trong một trật tự, “phân vai” rõ ràng của người kinh doanh cũng như du khách.

Theo nhiều người, nét đặc trưng của phố Tây được hình thành dựa trên nguồn vốn, tài sản sẵn có của dân cư khu vực này.

Trên cơ sở những lợi thế đó, cơ quan quản lý mới nghiên cứu nên đầu tư thêm để giữ được sự phát triển ổn định tại đây và hơn nữa là cải thiện được đời sống cho cư dân địa phương, tạo ra được một không gian đặc thù của TP.

Ông Lê Tất Đạt, chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, cho biết các hộ trên tuyến đường Bùi Viện hoạt động kinh doanh diễn ra cả ngày lẫn đêm.

Buổi sáng chủ yếu là hoạt động của các hàng quán bán quần áo, đồ lưu niệm, quán cà phê, thức ăn... Buổi tối từ 19h trở đi các nhà hàng, quán bar, các hộ kinh doanh thức ăn nhanh phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Thương hiệu của tuyến phố Bùi Viện hiện nay được du khách nhận diện quanh các giá trị như “cheap beer area”, “busy street”, “backpacker land”.

Tuy vậy, phần lớn các hoạt động này mang tính tự phát. Để tạo được một khu phố an toàn, thu hút người dân đến vui chơi, thông qua các buổi làm việc của phường với các doanh nghiệp và các buổi họp khu phố, tổ dân phố, UBND phường đã tuyên truyền thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, phó chủ tịch UBND Q.1, cho rằng: kinh nghiệm của Q.1 cho thấy việc hình thành con phố phải bắt đầu từ hoạt động tự có của nó, cùng người dân tìm được nét đặc thù và hiện trạng tự phát của nó, sau đó thăm dò cộng đồng và mong muốn phát triển mở rộng của họ.

Hiện trên tuyến đường Bùi Viện có tổng cộng 146 cơ sở kinh doanh, trong đó có:

- 23 khách sạn

- 25 cơ sở kinh doanh quán ăn

- 15 cơ sở kinh doanh cà phê, giải khát

- 33 cơ sở kinh doanh quà lưu niệm, vẽ tranh, may, bán quần áo

- 14 quán bar

- 12 cửa hàng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp

- 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành

- 9 quán kinh doanh bán bia...

Người dân mua trang sức tại một cửa hàng trên đường Chiêu Anh Các - một trong sáu tuyến đường ở Q.5,TP.HCM được tổ chức làm phố vàng bạc, đá, trang sức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người dân mua trang sức tại một cửa hàng trên đường Chiêu Anh Các - một trong sáu tuyến đường ở Q.5,TP.HCM được tổ chức làm phố vàng bạc, đá, trang sức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hai tuyến phố chuyên doanh này định hình, phát triển dựa trên sự đồng thuận, chung tay từ hai phía: chính quyền và người dân.

Nếu thiếu sự đồng tình, tự nguyện tham gia và ủng hộ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ không được kết quả như hôm nay.

Bà Lê Thị Loan, trưởng Phòng kinh tế UBND Q.5

Phát triển phố chuyên doanh

Tháng 12-2016, Q.5, TP.HCM ra mắt phố đông y. Kế đến tháng 4-2017, phố vàng bạc, đá, trang sức cũng ra mắt. “Buôn có bạn, bán có phường” là một trong những nét văn hóa đặc thù của hoạt động thương mại ở Q.5.

Ở Q.5 có những khu vực, những tuyến đường chỉ tập trung kinh doanh một ngành hàng.

Và phố đông y (được tổ chức ở 3 tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông - Lương Nhữ Học - Triệu Quang Phục), phố vàng bạc, đá, trang sức (được tổ chức ở 6 tuyến đường: An Dương Vương - Nhiêu Tâm - Nghĩa Thục - Chiêu Anh Các - Bùi Hữu Nghĩa - An Bình) là hai tuyến phố thí điểm đầu tiên.

Theo bà Lê Thị Loan, trưởng Phòng kinh tế UBND Q.5, sau vài tháng ra mắt, tình hình kinh doanh ở các phố chuyên doanh có khởi sắc, người dân đã tìm đến đăng ký tham gia buôn bán.

Phố đông y có thêm 8 đơn vị mới thành lập (gồm 2 doanh nghiệp và 6 hộ kinh doanh), nâng tổng số đơn vị kinh doanh tại tuyến phố này lên 141 đơn vị.

Còn phố vàng bạc, đá, trang sức tăng thêm 12 đơn vị (3 doanh nghiệp và 9 hộ kinh doanh).

Kkhảo sát bước đầu, doanh thu của những cửa hàng kinh doanh thuốc đông y và vàng bạc, nữ trang, đá trang sức tăng từ 20-50%.

Ngoài việc bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng này còn bước đầu tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

Các đơn vị du lịch như Công ty TNHH du lịch Việt Vui, Công ty TNHH Sinh Café hiện đã thiết lập tour du lịch đến thăm các hội quán, chùa chiền, tham quan, mua sắm ở các phố chuyên doanh.

Ngoài ra, quận 5 còn chủ động giới thiệu mô hình các phố chuyên doanh tại hội chợ du lịch, đưa nội dung quảng bá lên website của Sở Du lịch TP bằng 7 ngôn ngữ.

Du khách và người dân vui chơi tại phố đi bộ Bùi Viện, Q.1, TP.HCM tối 19-8 -  Ảnh: HỮU THUẬN
Du khách và người dân vui chơi tại phố đi bộ Bùi Viện, Q.1, TP.HCM tối 19-8 - Ảnh: HỮU THUẬN

* Ông Nguyễn Đỗ Dũng (chuyên gia quy hoạch đô thị):

Vai trò chủ động của cộng đồng

Việc tổ chức các tuyến phố chuyên đề như phố đi bộ, phố sách, phố vàng bạc là một việc làm có ba tác dụng: tạo ra các điểm đến mới cho người dân và du khách, chỉnh trang đô thị, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một mô hình khá phổ biến ở nhiều nước phát triển là dựa vào vai trò chủ động của cộng đồng - đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, gắn kết trách nhiệm với thụ hưởng thành quả và đảm bảo sự phát triển bền vững của mô hình này.

Các doanh nghiệp dọc theo một tuyến phố hợp lại thành một hiệp hội với kinh phí do các hội viên đóng góp để quản lý, quảng bá và tổ chức các hoạt động dọc tuyến phố.

Tại Singapore, Cơ quan Du lịch quốc gia là nhà bảo trợ và điều phối chính cho các tuyến phố chuyên đề như phố mua sắm Orchard, khu phố Trung Hoa, trục đi bộ dọc sông Singapore.

Tuy nhiên, Cơ quan Quy hoạch quốc gia có người phụ trách riêng cho từng tuyến phố chủ đề gọi là place manager (nhà quản lý nơi chốn) để quản lý về không gian công cộng.

Có thể nói việc tạo ra các khu phố chuyên đề thông qua vai trò chủ động của cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã trở thành một công cụ quy hoạch tại nhiều nước.

Các hoạt động nghệ thuật như hát văn, xẩm, ca trù phục vụ du khách trên phố Mã Mây (Hà Nội) Ảnh: T.T.D.
Các hoạt động nghệ thuật như hát văn, xẩm, ca trù phục vụ du khách trên phố Mã Mây (Hà Nội) Ảnh: T.T.D.

Điểm nhấn giữa lòng thủ đô

Tại Hà Nội, để hình thành nên thiết chế văn hóa phục vụ người dân và tạo điểm nhấn thu hút du khách, hàng loạt tuyến phố, tụ điểm văn hóa - du lịch đặc trưng đã được hình thành.

Hiện Hà Nội có phố sách tại tuyến phố 19-12 gần bờ hồ.

Chỉ 6 tháng, tuyến phố vốn là điểm trông giữ xe ngổn ngang này đã biến thành một không gian văn hóa đọc nhộn nhịp, văn minh ở thủ đô, đón khách liên tục từ 8h - 22h hằng ngày.

Các gian hàng được thiết kế gắn với các hoạt động tọa đàm, giao lưu, giới thiệu sách.

Ngoài phố sách cố định này, Hà Nội còn có hai không gian phố sách “di động” khác gồm chuỗi gian hàng sách tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ và gần phố Nhà Kèn.

Trước đó giữa tháng 9-2014, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công ty cổ phần Đồng Xuân khai trương chuỗi ẩm thực đường phố tại tuyến phố đi bộ Hàng Buồm hoạt động cho đến nay.

Phố dài khoảng 300m, toàn tuyến phố được bố trí 40 quầy hàng bán các đồ ăn nhẹ Âu, Á, đồ uống, đặc biệt là các đặc sản quà bánh đậm chất Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ.

Trước phố Hàng Buồm, hai khu vực phố Tống Duy Tân và phố Cấm Chỉ cũng được xây dựng làm khu ẩm thực phục vụ xuyên đêm cho người dân và du khách.

Ngoài ra, tại đền Hương Tượng nằm trên phố Mã Mây, từ nhiều năm nay đã được tổ chức trình diễn thường xuyên các hoạt động nghệ thuật truyền thống như hát văn, xẩm, ca trù phục vụ du khách.

LÂM HOÀI

Các bạn trẻ xếp hàng chờ xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các bạn trẻ xếp hàng chờ xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đường sách - chất lượng cuộc sống Sài Gòn

Những đơn vị tham gia đường sách có sự ràng buộc với nhau theo tinh thần cùng nhau phát triển và vì sự phát triển chứ không phải ràng buộc để bắt chẹt nhau, theo quy chế đường sách.

Bên cạnh đó còn có những quy định được điều chỉnh từ ban giám đốc Công ty Đường sách và các đơn vị thông qua các cuộc giao ban, trên cơ sở tôn trọng nhau và giúp nhau làm việc.

Đây là tinh thần nổi trội. Ví dụ: vừa qua, nhân viên bãi giữ xe có thái độ không lịch sự với bạn đọc, lập tức ban giám đốc đã làm việc ngay với bãi xe để chấn chỉnh chuyện này.

Nổi bật trong đội ngũ các đơn vị tham gia đường sách là tính thiện chí, tính gương mẫu và tính chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp ở đường sách thể hiện qua việc sử dụng công nghệ trong hệ thống camera, liên kết thông tin bằng email, hoặc tổ chức các cuộc sơ kết, tổng kết, điều tra xã hội học và nhận định đánh giá vấn đề theo cách chuyên nghiệp.

Cho nên, Đường sách TP.HCM ngoài việc không đặt ưu tiên chạy theo mục đích kinh doanh, những người tham gia đã thả vào đây cái hồn của đời sống đô thị hiện đại: người dân đến đây cảm thấy bình yên, thấy gần gũi với trí tuệ, cảm giác mình được tự do, được tôn trọng và cảm nhận được cái đẹp ở đây...

LAM ĐIỀN ghi

NHƯ BÌNH - 
MAI HƯƠNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên