Tất bật chuẩn bị phở cho trẻ em Thanh Hóa - Ảnh: VŨ TUẤN
Các em học sinh rất hứng khởi, nhiệt tình tham gia chương trình.
Hàng nghìn tô phở đặc biệt
Đầu bếp Phạm Hữu Đức hì hục từ chiều qua (17-12) bắc bếp, ninh xương để chuẩn bị cho sự kiện "Phở đến với trẻ em nghèo Thanh Hóa". Một mình anh Đức dùng 15 chiếc bếp gas công nghiệp đặt ngay trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Tiết trời Thanh Hóa se lạnh, mồ hôi vẫn lấm tấm lưng áo anh chàng đầu bếp Hoa hồi vàng 2022.
Anh Đức tự đi chợ, mua gần một tạ xương bò, hàng chục cân hành, rau thơm và hai tạ bánh phở. Các loại hành, gừng, rau... được các em học sinh, thầy cô giáo và nhân viên ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh sơ chế, rửa sạch giúp.
Anh kể chưa bao giờ anh nấu phở với điều kiện khó khăn như thế này. "Ở tiệm mọi thứ mình đã sắp xếp hết, chỉ cần đưa công thức, tỉ lệ là có người làm cho, tôi chỉ nghiệm thu cuối cùng. Nhưng ở đây phải tự tay làm mọi việc, từ đi chợ, chọn hành, chọn xương... nhưng nhìn tụi nhỏ háo hức đến xem, chờ được ăn tô phở của mình nấu vui lắm!".
Đầu bếp Phạm Hữu Đức vừa đoạt giải Hoa hồi vàng trong cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon tổ chức tại Nam Định ngày 11-12 vừa qua. Anh cũng là người ủng hộ hàng nghìn tô phở cho các chuỗi sự kiện gala Ngày của Phở lần thứ 6.
Ngay sau cuộc thi, anh cùng các đầu bếp đoạt giải phục vụ phở và tặng quà cho trẻ em bại não ở Nam Định. Chưa kịp nghỉ ngơi, anh đưa cả gia đình về TP.HCM tham gia sự kiện "Bay cùng phở Việt" tổ chức ở cảng hàng không Tân Sơn Nhất rồi lại quay ra Thanh Hóa nấu phở phục vụ trẻ em, học sinh nghèo ở tỉnh này.
Cùng phở trao yêu thương
Đầu bếp Nguyễn Ngọc Châu - Hoa hồi vàng 2022 - trở về Lam Kinh là một cơ duyên đặc biệt. Anh là Việt kiều Úc, đã mở nhà hàng ở Sydney nhưng lại mê phở. Anh từng xin vào làm phụ bếp cho một tiệm phở nổi tiếng ở Sydney để học nấu phở, tự mày mò quy trình, công thức và những bí quyết riêng để có nồi nước dùng thơm ngọt từ nước xương, táo, mía, củ cải...
Ngọc Châu chuẩn bị nguyên liệu từ Hà Nội, sơ chế sẵn chất lên ô tô về Thanh Hóa. Anh nổi lửa từ chập tối đến sáng 18-12 để có những tô phở ngon như những tô phở anh đã thuyết phục được ban giám khảo trong cuộc thi vừa qua.
Anh chia sẻ: trước khi quyết định tham gia cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" anh có tâm nguyện sẽ làm tình nguyện viên, tham gia các chương trình xã hội để lan tỏa những giá trị nhân văn. "Tôi dành toàn bộ số tiền thưởng để ủng hộ trẻ em nghèo, tham gia các chương trình từ thiện cùng phở" - Ngọc Châu cho hay.
Bà Trịnh Thị Tiến, phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cho hay một số trường học khu vực trung tâm huyện đưa gần 2.000 học sinh dự sự kiện này. Các em rất hứng khởi, nhiệt tình tập văn nghệ để góp vui với chương trình.
Mới đầu, đơn vị tổ chức là báo Tuổi Trẻ đề nghị các nhà trường góp vui vài tiết mục văn nghệ đơn giản, nhưng với sự kiện đặc biệt này, một số trường học chọn ra những tiết mục đặc sắc nhất của trường để không khí thêm sôi động. Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân đã lựa chọn 100 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ý chí vươn lên học tốt để nhận quà của chương trình.
Chuỗi sự kiện Ngày của Phở 12-12 năm nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự phối hợp của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và UBND tỉnh Nam Định, cùng sự đồng hành chính thức của Công ty CP Acecook Việt Nam và các đơn vị: No.1, Sasco, Sâm Ngọc Linh Kontum K5, Minh Long, tương ớt Chinsu, Quân Phạm vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ đông đảo những người yêu phở.
Ngày 14-12 vừa qua, báo Tuổi Trẻ tiếp tục phối hợp với SASCO thực hiện chương trình "Bay cùng phở Việt" tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Phở đến sân bay
Màn trình diễn nấu phở ngô (bắp) của Hoa hồi vàng 2022 Vương Đức Bằng cùng với phần thuyết trình của chuyên gia ẩm thực Đỗ Nguyễn Hoàng Long - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước đó, chương trình "Bay cùng phở Việt" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã tổ chức vào sáng 14-12 tại phòng khách thương gia Le Saigonnais, ga đi quốc tế thuộc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Thông qua đó, chương trình mong muốn đưa phở tiếp cận nhiều hơn đến du khách quốc tế tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất trong những năm qua và trong bối cảnh hàng không quốc tế hồi phục sau đại dịch.
Thích ăn phở trên đất Việt
Phở chiếm được tình cảm của khá nhiều du khách nước ngoài. Trưa 14-12, trong lúc chờ chuyến bay về Hong Kong, vợ chồng chị Cena đến khu vực phở nhờ đầu bếp chan nước dùng vào hai tô. Hướng mắt ra phía bãi đỗ máy bay, anh chị bắt đầu thưởng thức tô phở bốc khói thơm lừng.
Chị Cena cho biết dù đây là lần đầu chị đến Việt Nam, nhưng trước đó đã ăn phở ở nhiều nơi, nhất là Hong Kong vì ở Hong Kong bán rất nhiều. "Chuyến công tác này đến Việt Nam chỉ 6 ngày và tôi đã ăn phở ở đây rất nhiều vì ngon quá. Ăn phở ngay tại đây rất thú vị và độc đáo", chị Cena chia sẻ.
Khác với vợ, anh Clement - chồng chị Cena - cho hay đã ăn phở nhiều nơi ở Việt Nam như Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM. Anh Clement nhận định: "Nhìn chung phở Việt ở đâu cũng ngon, mỗi nơi có một hương vị, đặc trưng riêng nên khó có sự so sánh phở ở đâu ngon hơn. Tuy nhiên tôi vẫn thấy ăn phở tại Việt Nam ngon hơn ăn tại nước ngoài".
Thưởng thức tô phở nóng tại quầy chờ thương gia trước hành trình về quê hương, cậu bé Pohau (10 tuổi, người Đài Loan) cho biết bản thân đã sống ở Việt Nam được 9 năm. Pohau rất thích phở và đây chính là món em được thưởng thức thường xuyên trong hành trình sống và học tập tại Việt Nam.
Dù đã ăn phở ở nhiều nơi như Hà Nội, Vũng Tàu... nhưng theo Pohau, phở ở TP.HCM rất ngon và đặc biệt nhất với em. "Hôm nay cháu ăn món phở này ở sân bay ngon lắm!", Pohau hào hứng chia sẻ.
Đưa phở ngô Tây Bắc vào Sài Gòn
Tại sự kiện, các đầu bếp liên tục bưng nồi nước dùng phở, ra quầy ăn buffet, bên cạnh bánh phở, thịt bò để sẵn vào tô. Tiết trời se lạnh của Sài Gòn bỗng trở nên ấm cúng hơn nhờ hương phở bốc ra từ các nồi nấu phở.
Bày biện tươm tất đồ nấu phở, tân Hoa hồi vàng 2022 Vương Đức Bằng cho biết đã mang món phở ngô vượt dặm dài từ quê hương Hà Giang vào TP.HCM.
Theo anh Bằng, ngoài thịt bò đặc trưng vùng cao nguyên đá, điều đặc biệt của tô phở ngô là bánh phở vàng óng ánh được làm từ quả ngô (bắp). Để có tô phở thơm nức mùi ngô và dai dai, ăn cùng bò tái và nước dùng thanh vị, công đoạn khó nhất chính là làm bánh phở.
Theo đó, trái ngô tươi được phơi khô và lấy hạt, sàng lọc sạch, ngâm cho hạt nở ra, khi ngâm phải thay nước liên tục để không bị chua. Sau đó hạt được xay lên rồi thêm một ít bột nếp vào cho mềm hơn.
Mất tầm 2 - 3 tuần để trái ngô tươi ra thành phẩm là những sợi phở ngô vàng thơm. Anh Bằng cho biết đã mang hơn 10kg bánh phở ngô vào Sài Gòn phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.
DIỆU QUÍ - CẨM NƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận