21/04/2018 15:43 GMT+7

Phố đèn đỏ: Thụy Điển phạt người mua dâm

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tối 6-2-2018, kênh truyền hình Pháp - Đức Arte đã phát hình phim tài liệu Nơi gái làng chơi không tồn tại của nữ đạo diễn từng đóng phim khiêu dâm Ovidie người Pháp (tên thật Éloïse Becht).

Phố đèn đỏ: Thụy Điển phạt người mua dâm - Ảnh 1.

Joel Kabagambé bị bắt và kết án 18 năm tù vì sát hại bà mẹ trẻ Eva-Marree - Ảnh: aftonbladet.se

Mô hình của Thụy Điển chỉ kéo giảm đường phố chứ không phải kéo giảm tình hình mại dâm nói chung Nhà nghiên cứu

Janine Mossuz-Lavau

Phim kể lại câu chuyện thật về cô gái điếm tội nghiệp Eva-Marree Smith Kullander.

Câu chuyện xảy ra ở Thụy Điển. Vài năm trước, do bị ông chồng Joel Kabagambé người Uganda đánh đập, cô Eva-Marree dẫn hai con nhỏ một và hai tuổi ra đi, sau đó làm gái gọi để kiếm tiền nuôi con.

Do có người tố cáo, cơ quan bảo trợ xã hội truất quyền nuôi con của cô và giao lại cho người cha dù biết ông này tính tình hung dữ.

Trailer giới thiệu phim của Ovidie trên kênh Arte

Eva-Marree bỏ việc chỉ sau hai tuần, sau đó trở thành người phát ngôn của công đoàn lao động tình dục và suốt ba năm ròng rã đi kiện đòi quyền thăm con.

Ngày 11-7-2013, trong lần đầu tiên đến gặp lại các con, bà mẹ trẻ 27 tuổi Eva-Marree đã bị chồng cũ đâm chết bởi 32 nhát dao ngay tại văn phòng cơ quan bảo trợ xã hội ở Vasteras. Joel Kabagambé bị kết án 18 năm tù nhưng vẫn giữ quyền nuôi con.

Sau cái chết thương tâm ấy, nhiều cuộc biểu tình trên thế giới được tổ chức để chỉ trích chính sách mại dâm bất cập của Thụy Điển.

Nữ đạo diễn Ovidie mong muốn tố cáo tại Thụy Điển, cơ quan bảo trợ xã hội nhân danh bảo vệ trẻ em và phụ nữ nhưng thà giao con cho một người hung hãn, nghiện ma túy chứ không tin tưởng giao con cho một bà mẹ phong trần.

Phố đèn đỏ: Thụy Điển phạt người mua dâm - Ảnh 4.

Eva-Marree bị giết vì muốn nuôi con

Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới xử phạt người mua dâm và chủ chứa. Trước năm 1998, mại dâm là hành vi hợp pháp ở Thụy Điển, chỉ có chứa và môi giới mại dâm mới phạm luật.

Song từ thập niên 1970, vấn đề trừng phạt người mua dâm đã được nêu ra. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng người mua dâm đã sử dụng đồng tiền để áp chế phụ nữ, như vậy đã xâm phạm quyền bình đẳng giới.

Bà Inger Segerström, chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ - xã hội quốc gia Thụy Điển, giải thích: "Chúng ta hãy mở ra cho phụ nữ khả năng tìm kiếm hỗ trợ mà không bị xử phạt. Chúng ta cần lưu ý xã hội không chấp nhận người đàn ông có thể mua vui với phụ nữ".

Tuy nhiên, nhiều cơ quan chính phủ, các tổ chức đấu tranh với mại dâm và ngay cả ủy ban quốc hội phụ trách về vấn đề mại dâm lại cho rằng hoặc không làm gì cả hoặc xử phạt cả người bán dâm lẫn kẻ mua dâm.

Rốt cuộc chính phủ khẳng định quan điểm nếu trừng phạt người mua dâm và chủ chứa, nạn mại dâm ắt sẽ giảm. Quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ tại quốc hội với hơn 40% là nữ.

Năm 1998, Quốc hội Thụy Điển thông qua dự luật đấu tranh chống bạo lực với phụ nữ (còn gọi là đạo luật Kvinnofrid), hay gọi nôm na là luật cấm mua dâm. Theo đó, người mua dâm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 1 năm.

Người khuyến khích, thu lợi bất chính từ hoạt động mại dâm của bên thứ ba bị xử phạt đến 8 năm tù. Đây là mức án nặng vì án nặng nhất trong bộ luật hình sự của Thụy Điển chỉ mút khung 10 năm tù.

Ai chứa mại dâm sẽ bị xem là tổ chức mại dâm. Mỗi năm cảnh sát bắt giữ trung bình 500 nam giới mua dâm. Tiền phạt nhiều hay ít tùy thu nhập, từ 350 euro đối với người thất nghiệp tới 150 ngày lương đối với người đang lao động và còn bị bắt buộc phải dự lớp trị liệu.

Bán dâm không phạm pháp

Người bán dâm được xem là nạn nhân bị bóc lột, do đó được tham gia các chương trình hỗ trợ hoàn lương và được hưởng chế độ an sinh xã hội.

Do mại dâm không được thừa nhận nên khi bệnh tật họ không được hưởng bảo hiểm xã hội hay nghỉ có lương. Người bán dâm làm công ăn lương phải chịu thuế thu nhập và thêm thuế giá trị gia tăng nếu lao động tự do. Trên thực tế ít có cô gái bán hoa nào khai chính xác thu nhập.

Năm 2010, chính phủ thành lập ủy ban điều tra việc thực hiện đạo luật Kvinnofrid với kết luận: luật cấm mua dâm mang lại kết quả rất tích cực. Năm 1995, Thụy Điển ước tính có từ 2.500-3.000 phụ nữ bán dâm, trong đó có 650 gái mại dâm đường phố. Số liệu năm 2008 cho thấy gái mại dâm đường phố giảm 50%.

Báo cáo ghi nhận nạn mại dâm đường phố ở Thụy Điển ít hơn Đan Mạch 10 lần và ít hơn Na Uy 8 lần nhưng mại dâm qua mạng lại gia tăng. Công luận đã tỏ thái độ ủng hộ luật xử phạt người mua dâm. Theo thăm dò năm 2014, 72% số người Thụy Điển được hỏi (85% phụ nữ và 60% nam giới) đã ủng hộ cấm mua dâm.

Dù vậy, các cơ quan y tế và bảo trợ xã hội Thụy Điển thừa nhận do môi trường mại dâm thay đổi, họ không thể tiếp xúc thường xuyên với các cô gái bán dâm. Do đó mới xảy ra một số vụ tai tiếng như vụ bà mẹ Eva-Marree bị truất quyền nuôi con nêu trên.

Nhiều cơ quan tư vấn của Chính phủ Thụy Điển chỉ trích báo cáo năm 2010 đưa ra kết luận rất chung chung về hiệu quả của luật cấm mua dâm và đề nghị cần phân tích thêm về tác động của luật đối với giới mại dâm.

Nhà nghiên cứu Janine Mossuz-Lavau, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, đánh giá: "Mô hình của Thụy Điển chỉ kéo giảm mại dâm đường phố chứ không phải kéo giảm tình hình mại dâm nói chung".

Mô hình Bắc Âu

den do1

Người bị bắt quả tang mua dâm ở Pháp phải theo học lớp phòng chống mại dâm - Ảnh: Le Parisien

Trên bình diện quốc tế, Thụy Điển được xem như quốc gia đi tiên phong trong đấu tranh chống bóc lột tình dục và buôn người. Mô hình Thụy Điển còn được "xuất khẩu" sang Na Uy, Anh, Iceland, Pháp và được gọi là mô hình Bắc Âu.

Tại Pháp, sau hai năm rưỡi thảo luận, ngày 6-4-2016 Hạ viện đã thông qua dự luật trừng phạt người mua dâm và người tổ chức mại dâm giống như Thụy Điển. Bà Laurence Rossignol - bộ trưởng Bộ Gia đình, trẻ em và quyền phụ nữ Pháp - tuyên bố: "Pháp nhấn mạnh rằng mua dịch vụ tình dục là bóc lột thân xác và là bạo lực đối với nữ giới". New Zealand từng nghiên cứu mô hình của Thụy Điển nhưng cuối cùng chọn mô hình phi hình sự hóa mại dâm.

Phố đèn đỏ: New Zealand - Úc không hình sự hóa mại dâm

TTO - Ngoài nhóm các nước hợp pháp hóa mại dâm như Hà Lan, nhóm thứ hai gồm các nước chủ trương phi hình sự hóa mại dâm.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên