Cuối tuần nhưng phố bê thui Cầu Mống vắng hoe
Trưa cuối tuần 7-4, trở lại hai bên chân cầu Câu Lâu thấy vắng. Thay vì cảnh xe con, xe khách đưa người tứ phương trên đường thiên lý Bắc - Nam dừng chân tấp vào quán mì Quảng, bê thui Cầu Mống như trước, nay trước các hàng quán lèo tèo người, xe.
Chủ các quán ẩm thực đang gắng chờ ngày cây cầu cũ được sửa chữa.
Trên cây cầu này giờ chỉ còn xe máy, xe ba bánh chở hàng cho dân địa phương trong vùng qua lại.
Số ít đoàn khách đi xe gia đình tìm đến ghé vào ăn món đặc sản vì danh tiếng lâu nay.
Chủ quán bê thui Mười, bà Nguyễn Thị Phước, nói rằng nửa năm qua quán của bà giảm tới 80% lượng khách. Cầu ngăn barie sửa chữa nên khách đường xa dọc xuôi Bắc - Nam không còn đi đường cũ nữa mà chạy trên cầu Câu Lâu mới.
Để cầm cự, bà Phước phải tìm kênh phân phối. Khách lai rai vào những ngày cuối tuần, số thì đặt món qua điện thoại.
"Bê thui chỉ để được tầm 6 tiếng. Như các món khác, khách tới nơi ngồi ăn tại chỗ, thưởng thức vị ngọt mềm của thịt bê sữa cuốn bánh tráng chấm với cái mặn mòi của mắm cá gia truyền, cắn trái ớt tươi thì mới cảm nhận được trọn vị. Chúng tôi cũng buồn lắm nhưng hy vọng cầu sẽ sớm thông, bà con buôn bán đông vui trở lại" - bà Phước nói.
Phố bê thui Cầu Mống chờ cầu Câu Lâu bừng sáng du lịch
Đi qua cầu Câu Lâu cũ, nhiều đoạn phần nền cầu, thành cầu đã lở toác. Một số vị trí lộ dàn thép trên mặt sông.
Cầu xuống cấp buộc tỉnh Quảng Nam phải cho tạm đóng để chờ tu sửa. Theo kế hoạch, trong tháng 4 này, dự án tu sửa cầu Câu Lâu sẽ triển khai và thông xe trở lại vào cuối năm. Hiện tại chưa rõ phương án thiết kế, tu bổ cầu.
Tuy nhiên với vị trí một nút giao thông quan trọng gắn liền với nhiều danh lam thắng cảnh, các làng nghề nức tiếng cả nước, người dân ở Điện Bàn, Duy Xuyên đang kỳ vọng cầu sau khi sửa chữa sẽ đẹp hơn, trở thành một điểm nhấn du lịch.
Ông Trần Úc - chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - nói rằng với vai trò lịch sử và giá trị điểm dừng chân, địa phương mong chờ dự án chỉnh trang tu sửa cầu Câu Lâu sẽ tạo điểm nhấn để tô đẹp thêm bức tranh làng quê xưa cũ trăm năm đôi bờ sông Thu Bồn.
Trong giai đoạn chờ tu sửa, các địa phương tranh thủ giới thiệu, kết nối điểm đến để hỗ trợ người dân các làng nghề có khách cầm cự chờ ngày cầu đưa người qua lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận