19/02/2007 08:01 GMT+7

Phố cổ 2007

UYÊN LY - LAN ANH
UYÊN LY - LAN ANH

TTXuân - Long, 27 tuổi, nhân viên một công ty vận tải biển, sinh ra và lớn lên ở phố Mã Mây, một trong vài phố “cổ” nhất của Hà Nội. Đi làm, Long mặc vest đen, mũi giày vừa cong vừa nhọn, đầu vuốt keo. So với các bạn trai cùng lứa, Long nói năng chừng mực, lễ phép, rất có duyên. Một điểm nữa của Long là “lịch” ăn phở Bát Đàn và uống cà phê Nhĩ ở phố Hàng Nón duy trì mỗi sáng thứ bảy, dù bận rộn đến mấy. Long bảo: “Đi đâu cũng có chút tự hào vì mình là “giai” phố cổ!”.

pOaezZE1.jpgPhóng to
TTXuân - Long, 27 tuổi, nhân viên một công ty vận tải biển, sinh ra và lớn lên ở phố Mã Mây, một trong vài phố “cổ” nhất của Hà Nội. Đi làm, Long mặc vest đen, mũi giày vừa cong vừa nhọn, đầu vuốt keo. So với các bạn trai cùng lứa, Long nói năng chừng mực, lễ phép, rất có duyên. Một điểm nữa của Long là “lịch” ăn phở Bát Đàn và uống cà phê Nhĩ ở phố Hàng Nón duy trì mỗi sáng thứ bảy, dù bận rộn đến mấy. Long bảo: “Đi đâu cũng có chút tự hào vì mình là “giai” phố cổ!”.

“Giai” phố cổ

Ngày mới với Long bắt đầu bằng việc ra sân chung, đánh răng rửa mặt “lộ thiên” cùng với các cô chú, anh chị em... hàng xóm. Việc vệ sinh tế nhị thì đợi... ra cơ quan. Phòng riêng duy nhất trong nhà có khóa cửa là chỗ cả nhà để đồ quí giá. Phòng còn lại, nơi cả gia đình ăn cơm, sinh hoạt chung, cũng là lối đi chung của mấy gia đình cùng tầng. “Ăn gì hàng xóm cũng biết. Tất cả dùng chung, nhìn nhau mà dùng” - Long kể.

Ngôi nhà Long ở hình ống như mọi căn nhà khác ở phố cổ. Quanh năm tối, người nhà phải bật điện mới nhìn rõ mặt nhau. “Cách sống của chúng tôi vẫn như ngày xưa, từ nếp ăn, nếp mặc phải gọn gàng, tươm tất. Mình không nghĩ đó là phải sống, mà nếp sống ấy tự ăn vào người: nhẹ nhàng, lễ phép, dĩ hòa vi quí” - Long nói, vẻ tự hào. Vẻ “xưa” ấy, theo Long, còn thể hiện cả ở quán nước, hàng quà vặt nơi vỉa hè phố cổ: “mời anh, mời chị” thật nhẹ nhàng cả với người ít tuổi. Vì thế, ăn ở phố cổ là mốt của giới sành điệu, người mẫu, diễn viên, hoa hậu... thời nay.

Nhà số 3 phố Tạ Hiện vốn là một nhà trọ do người Hoa xây, nổi tiếng từ thời Pháp. Căn nhà ba tầng nay ngăn cho hơn chục hộ. Hành lang dẫn đến nhà cụ Hoàng Ngọc Xường - cư dân ngôi nhà từ thời kỳ đầu - ở tầng hai rộng bằng đúng... viên gạch hoa 40x40cm, người “đậm đà” một chút phải nghiêng vai đi mới lọt. Từng có lúc cụ Xường cùng vợ và con cháu tới hơn mười khẩu chia nhau vừa đúng 25m2. Trong nhà cụ, một phần hành lang được tận dụng làm... tủ, trên nhốt chú mèo. Vách tủ đồng thời là cánh cửa ra hành lang, treo đủ thứ, từ lược chải tóc đến giẻ lau chùi, dụng cụ làm bếp... Góc hành lang còn lại làm bếp, để đồ, rửa rau quả... đủ thứ bà rằn. Mọi ngóc ngách trong nhà đều được sử dụng hợp lý, ngăn nắp.

Anh Vân là người con duy nhất không đi bộ đội trong số sáu người con của cụ Xường, mà là đi... Tây. Về nước, anh làm việc ở xí nghiệp sản xuất xe đạp, nay nghỉ chế độ nhưng cách nói năng, kể chuyện tỏ rõ một người học cao, hiểu rộng, đầy trách nhiệm. Tấm bảng nhỏ để ở cầu thang: “Không khạc nhổ, vứt rác ra cầu thang”, thậm chí anh còn viết dòng chữ ấy lên từng bậc cầu thang để nhắc nhở mọi người. Khi lên sân thượng của căn nhà, chúng tôi bất ngờ khi thấy một vườn cảnh xanh um. Anh Vân cho biết đã phải mất hàng năm để mang đất, sau đó là từng chiếc chậu và từng cây cảnh lên đây. “Đây là chỗ cả nhà hóng gió mỗi đêm hè” - anh nói, hệt như một nhà thơ.

Sống ở phố cổ

30Tli6Kd.jpgPhóng to
Phố Hàng Chiếu, ngõ Thanh Hà
Đối diện nhà anh Vân ở phố Tạ Hiện cũng là một nhà cổ, hiện có rất nhiều hộ đang sống chung. Mái hiên chỉ rộng vài chục centimet, dài chừng hơn 2m bị ngăn ra chia cho vài nhà. Các gia chủ đồng loạt quây lại rồi lợp mái, làm chỗ để tủ lạnh, đặt đồ làm bếp, tận dụng làm chỗ ngủ kiêm bàn học cho con cái, rồi chỗ phơi quần áo... Bởi thế lắm khi khách lạ muốn nhìn trời liền bị toàn đồ “nội y” phơi giăng giăng mặt phố đập vào mắt. Và cũng chẳng nên thấy lạ khi cầu thang hẹp kiêm thêm chức năng để xe đạp; hay mỗi ngõ vào các nhà chỉ rộng hơn vai người một chút, nhất quyết không hơn. Muốn cất xe máy chỉ còn mỗi cách lên xe, bật đèn pha, rồ ga và... phóng. Chẳng may có người đi ngược chiều, phải lùi lại và bắt đầu từ đầu.

Có thể gặp cảnh này ở hầu hết những ngõ nhỏ trong khu phố cổ: không gian trong nhà chỉ cách ngõ bằng một tấm mành hoặc thậm chí không có mành. Ban ngày, cửa ra vào được kéo qua một bên, mặt ngõ biến thành bếp, chỗ để giày dép, thậm chí còn được lát gạch hoa, thắp đèn sáng choang... Ai đi qua cũng phải nép sát vào một bên và không cần liếc mắt cũng có thể biết được trong nhà có những đồ đạc gì, có bao nhiêu người già, trẻ em.

7fLIe5D8.jpgPhóng to
Cầu thang lên nhà được tận dụng làm nơi cất xe đạp
“Trước phố Tạ Hiện sạch sẽ lắm, không ai vứt rác ra đường, không ai nói bậy. Chúng tôi thường ngồi chuyện phiếm bên hè phố và chạy đuổi nhau trong ngõ” - anh Vân nhớ lại. Giờ thì khác, mặt đường đầy rác. Người quá đông, sống chung, dùng chung nên cãi nhau, chửi nhau cũng nhiều, vẻ nho nhã khi xưa bị lấn át. Cái sự ở bất tiện, mất vệ sinh và bị dòm ngó là thế, nhưng dọn đến chỗ rộng hơn, riêng tư hơn thì còn phải tính. Cụ ông, cụ bà Xường không muốn chuyển đi. Họ đã sống cả đời ở số 3 Tạ Hiện, vui buồn, hạnh phúc đều ở căn nhà này, quen cả tiếng rao đêm, tiếng lao xao người đi lại trò chuyện, đi xa thì nhớ lắm.

Các cụ xưa đã có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tràng An nay có còn thơm, còn lịch? Còn chứ, thậm chí còn nhiều. Hồn của phố phường là những người như cụ Xường, như anh Vân, như Long, họ chính là những người bảo tồn thầm lặng mà không hề biết mình đang bảo tồn. Chúng tôi đi dọc phố cổ, phố Hàng Đào, Hàng Ngang ngựa xe tấp nập khi xưa nay biến thành phố đi bộ, với những sạp hàng lộn xộn chất ngập hàng hóa Trung Quốc, với những chị hàng rong vô tư xả rác, rãnh nước dọc phố có hôm đen sì vì tắc cống.

Chúng tôi biết đó chỉ là cái tạm thời của hôm nay.

UYÊN LY - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên