Buổi khảo sát một số điểm "tạp hóa giá tốt" (chủ tạp hóa tiếp cận được nguồn hàng sỉ với giá phải chăng, từ đó có cơ sở đưa giá tốt hơn cho người tiêu dùng) vừa diễn ra vào hôm nay 12-4 tại TP.HCM, với sự tham gia của đại diện UBND, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, các nhà bán lẻ lớn như Mega Market, Saigon Co.op...
Tạp hóa niêm yết giá, xuất xứ hàng hóa rõ ràng
Vào bên trong tiệm tạp hóa Quỳnh Giao (đường Lê Thị Riêng, quận 12), ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - xem nhiều mặt hàng khác nhau, quan sát cách bài trí sản phẩm, đồng thời hỏi thăm tình hình kinh doanh của vợ chồng anh Đỗ Văn Quyền và chị Đặng Thị Quỳnh.
Chị Quỳnh chia sẻ bản thân tốt nghiệp cử nhân khối kinh tế, chồng vốn là thạc sĩ chế tạo máy, song cuối cùng có cơ duyên lập nghiệp với nghề kinh doanh tạp hóa.
Điểm khác biệt, ở tiệm tạp hóa này các mặt hàng được sắp xếp ngay ngắn, niêm yết giá rõ ràng nên khách không phải đắn đo, không lo kì kèo trả giá.
Trước thực trạng nhiều người lo ngại mua phải hàng kém chất lượng tại các tiệm tạp hóa bán lẻ, chị Quỳnh chia sẻ giải pháp đang áp dụng: "Hàng nhập thẳng từ công ty, siêu thị lớn, có hóa đơn đỏ, không chỉ khách mà người bán như mình cũng yên tâm".
Theo phó chủ tịch UBND TP, nhiều người dân muốn đi mua sắm nhưng không dư dả thời gian, mô hình tiệm tạp hóa là giải pháp giúp kích cầu tiêu dùng, kinh tế TP.HCM phát triển đều. Với mô hình tiệm tạp hóa đã dần hiện đại hóa, ông Dũng nhấn mạnh "gia đình, nhà nước đều có lợi nếu như nhiều tạp hóa như thế này phát triển tốt".
Được biết hiện tiệm tạp hóa trên có tổng cộng 6.000 mặt hàng, trong đó có khoảng một nửa được nhập giá tốt từ hệ thống siêu thị lớn. Với sự gợi ý của lãnh đạo TP, đại diện nhà cung cấp cho biết sẽ hỗ trợ tiệm tạp hóa tiêu biểu trong việc truyền thông như in phướn quảng cáo, thu hút nhiều khách hàng hơn.
Cần đưa tạp hóa truyền thống lên mô hình hiện đại
Tạp hóa Huyền Anh 2 nằm ngay chung cư Picity (quận 12), với hơn 1.000 sản phẩm được bày bán, phục vụ đa dạng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của cư dân.
Cùng con trai 5 tuổi tới mua hàng, chị Thủy (cư dân) nhanh chóng lựa được bó rau muống ưng ý: "Hàng ở đây tươi, luôn mới, giá tốt, niêm yết rõ ràng nên khỏi cãi lộn (cười)".
Sau khi dạo một vòng quanh cửa hàng, ông Nguyễn Văn Dũng hỏi thăm chi tiết hơn tình hình kinh doanh, giá cả sản phẩm. Đồng thời gợi ý có thể nhập về các sản phẩm OCOP (One Commune One Product, "Mỗi xã một sản phẩm", tức có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu rõ ràng) về bày bán.
"Chúc thành công hơn nữa", phó chủ tịch UBND TP.HCM nói với chị Trần Thị Nguyệt và anh Đặng Văn Tuấn (chủ tiệm tạp hóa).
Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết hiện nay mô hình kinh doanh bán lẻ truyền thống đang chiếm tỉ trọng lớn và gặp áp lực cạnh tranh cao với mô hình bán lẻ hiện đại.
Trên thực tế, phương thức hiện đại đang định hướng hoạt động sản xuất, hướng tới nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Vì vậy TP khuyến khích nâng dần từ mô hình truyền thống lên hiện đại. Khi các tiệm tạp hóa nhập sỉ hàng từ hệ thống siêu thị lớn, chất lượng ổn định, có lợi thế đàm phán nên giá tốt, mang lại hiệu quả cao hơn trong kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận