11/09/2024 19:58 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Ngành xuất bản là ngành đặc thù, cần tạo điều kiện đặc thù

Ngành xuất bản là ngành đặc thù, cần tạo điều kiện đặc thù, tạo điều kiện cơ chế thù lao, nhuận bút cho đội ngũ xuất bản, tạo hành lang pháp lý đủ rộng để linh hoạt trong sửa luật.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Ngành xuất bản là ngành đặc thù, cần tạo điều kiện đặc thù  - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên khảo sát - Ảnh: HỮU HẠNH

Chiều 11-9, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM khảo sát kết quả 20 năm thực hiện chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Ông Phan Xuân Thủy - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - làm trưởng đoàn khảo sát.

Chất lượng hoạt động xuất bản TP.HCM phát triển mạnh mẽ

Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Tăng Hữu Phong cho biết sau 20 năm thực hiện chỉ thị 42, hoạt động xuất bản của TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Quy mô, số lượng, chất lượng hoạt động xuất bản phát triển mạnh mẽ. Các nhà xuất bản của TP đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, TP đã tạo ra nhiều mô hình, hoạt động văn hóa đọc sáng tạo như phố sách, đường sách.

Tuy nhiên, công tác xuất bản của TP vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục như năng lực đổi mới, hiện đại hóa của các nhà xuất bản còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về xuất bản còn một số bất cập. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng vi phạm bản quyền, sản xuất, phát hành ấn phẩm giả vẫn còn xảy ra.

Qua đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy hoạch hệ thống các nhà xuất bản trong cả nước theo hướng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển.

Đánh giá thực tiễn các yếu tố “tinh gọn”, “chất lượng” và “hiện đại hóa” tại các đơn vị xuất bản để chỉ đạo, định hướng phát triển hoạt động xuất bản, nhất là việc định hướng xây dựng đề án phát triển nhà xuất bản trọng điểm trong thời gian tới. Quan tâm, hỗ trợ TP trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.

Có chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản

Cũng tại buổi khảo sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng mô hình hoạt động xuất bản tại TP.HCM đạt hiệu quả chính nhờ nguồn nhân lực của nhà xuất bản rất năng động đề xuất nhiều phương thức, cách làm mới hiệu quả.

Theo bà Thúy, ngành xuất bản là ngành đặc thù, do đó cần tạo điều kiện đặc thù, tạo điều kiện cơ chế thù lao, nhuận bút cho đội ngũ xuất bản. Tạo hành lang pháp lý đủ rộng để linh hoạt trong sửa luật. Xem xét sớm có chủ trương xây dựng đề án hạ tầng sách điện tử dùng chung cho ngành xuất bản trong điều kiện đẩy mạnh phát triển công nghệ, tránh mỗi nhà xuất bản đầu tư nhỏ lẻ. Hướng đến xây dựng chiến lược phát triển bền vững việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản.

Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhận định TP.HCM là trung tâm xuất bản in và phát hành sách năng động, sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi số cả nước. 

Việc triển khai tổ chức thực hiện chỉ thị 42 và các văn bản của Đảng liên quan trên lĩnh vực xuất bản đòi hỏi những yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, toàn diện hơn so với các địa phương khác.

Để phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, thời gian tới TP.HCM cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Củng cố nâng cao nguồn lực các đơn vị xuất bản, in, phát hành trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả việc quy hoạch sắp xếp phát triển nhà xuất bản theo hướng tinh gọn chất lượng, hiện đại hóa. Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, người làm công tác xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

TP.HCM có 2 nhà xuất bản do TP quản lý (gồm Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM và Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Trẻ); 4 nhà xuất bản thuộc các trường đại học TP.HCM (Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế, Đại học Công nghiệp, Đại học Sư phạm); 4 văn phòng đại diện nhà xuất bản nước ngoài và 28 chi nhánh nhà xuất bản trung ương, địa phương tại TP.HCM; 1.360 doanh nghiệp in, chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước.

Trong đó gần 700 cơ sở in được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động in (in xuất bản phẩm khoảng 476 doanh nghiệp). TP có tổng số 1.509 thư viện địa phương và hệ thống thư viện tại các trường từ phổ thông đến đại học.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Ngành xuất bản là ngành đặc thù, cần tạo điều kiện đặc thù - Ảnh 3.Mô hình nào cho nhà xuất bản?

Nhà xuất bản Thế Giới với lịch sử gần 70 năm vừa phải chuyển đến địa điểm mới, rời trụ sở đã gắn bó hơn 40 năm trên phố Trần Hưng Đạo. Lý do: nợ tiền thuế nhà đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên