Sáng 8-11, HĐND TP.HCM có buổi giám sát với UBND TP về thực hiện chủ đề năm 2023 và nghị quyết 131 tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề liên quan việc cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công bởi thực trạng ở TP.HCM thời gian qua chỉ có 3/737 đề án được phê duyệt.
Ông Nguyễn Trần Phú - phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - cho biết thời gian qua, việc thực hiện đề án cho thuê, liên doanh liên kết tài sản công theo nghị định 151 (quy định chi tiết một số điều trong Luật Quản lý tài sản công) gặp không ít vướng mắc.
Các địa phương khi gửi đề án về Sở Tài chính thẩm định, sở sẽ xem xét nếu chưa đủ điều kiện trình ủy ban, sở sẽ trả về kèm hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện hồ sơ.
Nhưng thực tế trong mẫu hồ sơ có nhiều mục cần ý kiến của nhiều đơn vị, gây khó khăn trong quá trình lập đề án. Ví như việc tính thuế đất phải phối hợp nhiều cơ quan như Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Vừa qua UBND TP đã thành lập đoàn làm việc với Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc. Nhìn nhận được các bất cập, bộ cũng có văn bản cho phép các trường hợp sử dụng tài sản công làm căn tin, bãi xe không cần lập đề án. Bộ cũng đang dự thảo sửa đổi nghị định 151.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu thực tế theo nghị định 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM, việc cho thuê tài sản công phải do UBND TP phê duyệt đề án, nên tất cả đề án đều dồn gây áp lực lớn. Do đó cần phải phân cấp ủy quyền cho các đơn vị phê duyệt.
Theo ông Hoan, khi trình đề án phân cấp mới thay cho nghị định 93, TP đã đưa nội dung phân cấp ủy quyền phê duyệt cho thuê tài sản công vào. Định hướng sẽ làm theo 4 bậc, những đề án cho thuê mang tính phục vụ nội bộ đề xuất để đơn vị tự phê duyệt.
Những đề án cho thuê vừa phục vụ nội bộ vừa phục vụ bên ngoài, ví dụ sân bóng, hồ bơi… chủ yếu là từ các sở, ngành sẽ do các ngành tự lo.
Thứ ba là đề án cho chủ đầu tư bên ngoài thuê thì có phân cấp ủy quyền cho các sở, chính quyền địa phương cơ sở.
Còn đề án cho thuê tài sản công vào mục đích khác sẽ phải thông qua TP. TP sẽ phân cấp theo 4 hướng và có quy chế về tổ chức, quản lý, sử dụng nguồn thu rõ ràng, cuối cùng TP sẽ tổ chức kiểm tra giám sát.
“Hiện nay chúng ta không ủy quyền theo cách này. Việc phân cấp, ủy quyền sẽ giải tỏa được nhiều vướng mắc hiện tại chứ chuyện của một trường mà làm đề án trình lên UBND TP thì sao mà giải quyết nổi. Bãi giữ xe của văn phòng ủy ban mà phải trình cho UBND TP, hay Sở Giáo dục và Đào tạo có hầm giữ xe muốn giữ xe bên ngoài cũng không được”, ông Hoan trăn trở.
Trước đó, UBND TP cũng từng kiến nghị trung ương về việc ủy quyền nêu trên nhưng Bộ Tài chính có văn bản phản hồi không có căn cứ pháp lý cho việc ủy quyền. Nên lần trình đề án phân cấp mới thay cho nghị định 93, TP đã đưa nội dung này vào.
TP.HCM có khoảng 13.000 cơ sở nhà đất công
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, ở TP.HCM có khoảng 13.000 địa chỉ nhà, đất công. Đến nay cơ bản TP đã có thống kê, sắp xếp lại toàn bộ địa chỉ trên địa bàn. Hiện Sở Tài chính đang phối hợp với các sở ngành làm việc với trường đại học Kinh tế Luật - ĐHQG TP.HCM xây dựng đề án khai thác sử dụng hiệu quả tài sản công.
Đồng thời nghị định 67 của Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xây dựng phần mềm quản lý tài sản chung. Khi hoàn thành, TP cũng sẽ có cập nhật, số hóa việc quản lý tài sản công trên địa bàn. Việc công khai tài sản công sẽ thực hiện đúng quy định của nghị định 151.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận