Ngày 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.
Làm gì để nâng chất hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, giám sát tập trung vào đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong một số việc.
Cụ thể, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...
Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ đồng tình với các nội dung trong dự thảo kế hoạch giám sát và cho rằng đã xác định được đối tượng trọng tâm, đối tượng liên quan một cách hợp lý.
Ông đánh giá đây là chuyên đề giám sát rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bởi các đơn vị sự nghiệp công lập số lượng lớn có mặt hầu hết ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó có những mô hình khác nhau nên địa vị pháp lý, quyền hạn rất khác nhau.
"Chính nhiều mô hình thế này, quá trình giám sát để thống kê, để báo cáo và để đánh giá cho được cũng là cả một câu chuyện rất dài", ông Phương nói.
Ông đồng tình về nội dung giám sát, tuy nhiên đề nghị nên xác định trọng tâm 6 nội dung về thực hiện chính sách, pháp luật.
Ông Phương nhận định 1 trong 3 trọng tâm vướng nhiều ở thực tiễn đó là việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
"Phải đánh giá đúng việc này. Vừa rồi mình sắp xếp có nhiều chỗ là cơ học, không làm mạnh lên mà còn làm cho yếu đi và khó hoạt động hơn.
Đây là một điểm vướng trong thực tiễn mà chúng ta hay nói là càng sắp xếp thì lại càng phình ra, có câu chuyện này không?", ông Phương nêu thêm.
Đột phá tự chủ tài chính 'bó tay, bó chân anh em'?
Bên cạnh đó, theo ông Phương, là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tự chủ và tài chính. Ông chỉ rõ theo lý luận, tự chủ là bao gồm cả 5 khâu gồm tự chủ về tổ chức, biên chế và con người, tự chủ về việc xây dựng phương án hoạt động, cuối cùng mới là tự chủ về tài chính.
Tuy nhiên, thực tế lại làm tự chủ tài chính trước nên vướng cả cơ chế và nhiệm vụ được giao, vướng cả về tổ chức, biên chế, phương án hoạt động và xây dựng nguồn lực.
"Đây là một câu chuyện mà thực tế rất phức tạp. Cách đi của chúng ta như thế thì đánh giá lại xem hợp lý chưa? Tôi vẫn có cảm giác từ câu chuyện chúng ta chọn đột phá là tự chủ tài chính đã gây ra vướng rất nhiều cho các đơn vị sự nghiệp công lập, bó tay, bó chân anh em.
Tự chủ như thế nào? Một phần hay tự chủ toàn bộ của từng nội dung đó và tự chủ tài chính thế nào? Tôi cho đây là trọng tâm cần phải đánh giá, phân tích", ông Phương nêu thêm.
Kết luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị qua giám sát cần làm rõ những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật, nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để có giải pháp khắc phục.
Các kiến nghị của đoàn giám sát phải sát thực, phù hợp thực tiễn nhưng phải có tư duy đổi mới mạnh mẽ, tạo được đột phá sau giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận