26/09/2024 12:24 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội: Cần công khai chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh được mời lên tiếp dân mà không đến

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị công khai chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh được Ban Tiếp công dân Trung ương mời lên tiếp các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người nhưng không đến.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị công khai Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh mời lên tiếp dân nhưng không đến - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 26-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. 

Số liệu tính từ 1-10-2023 đến 31-7-2024.

Thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả tiếp công dân, năm 2024, các cơ quan hành chính đã tiếp 255.988 lượt người về 206.382 vụ việc, có 2.024 đoàn đông người.

Báo cáo chỉ rõ trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với trước, nhưng việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo số ngày theo quy định.

Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tỉ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 81,4%) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (83%).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ điểm nổi bật của báo cáo năm nay là Chính phủ và các cơ quan đã thực hiện thời gian tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo từ ngày 1-10 của năm trước đến hết ngày 30-9 của năm báo cáo.

Tuy nhiên, báo cáo gửi chậm so với quy định; đồng thời, mới phản ánh được kết quả thực hiện của 45/63 địa phương, dẫn đến khó đánh giá sát được tình hình của công tác này năm 2024.

Thường trực Ủy ban nhận thấy việc thiếu số liệu tổng hợp và chậm gửi báo cáo có một phần nguyên nhân do đây là năm đầu tiên thực hiện yêu cầu mới về thời gian lấy, tổng hợp số liệu.

Song để tăng cường kỷ luật công vụ, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh không để lặp lại tình trạng này trong năm sau.

Bên cạnh đó, số liệu trong báo cáo cho thấy tình trạng thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều...

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị công khai Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh được mời mà không đến tiếp dân - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: GIA HÂN

Cần công khai bộ, ngành, địa phương nào người đứng đầu không tiếp dân

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay dù cố gắng tiếp công dân được nhiều nhưng một số đơn vị, cá nhân không tiếp công dân.

Do đó, cần có địa chỉ bộ, ngành nào tiếp công dân tốt, bộ, ngành, địa phương nào người đứng đầu không tiếp dân.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng việc báo cáo của một số địa phương không đúng thời gian dẫn đến rất khó đánh giá. 

Vì vậy, đề nghị Thanh tra Chính phủ công khai lên cổng thông tin và báo chí.

Theo ông Phương, có vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền, nhưng người ta vẫn tìm đến cơ quan thanh tra để "cầu may". Song cũng có nguyên do bộ, ngành không nghiêm túc, thiếu giải thích pháp luật, nên người dân không đồng tình.

Do vậy theo ông, khi tiếp công dân, nhất là vụ việc kéo dài đông người, phức tạp, phải giải thích pháp luật, để dân hiểu thấu đáo, vụ việc nào hết thẩm quyền, vụ nào đang tiếp tục, trách nhiệm thuộc cơ quan nào…

Ông Phương chỉ rõ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đang có thực tế người phối hợp giải quyết thẩm quyền không đúng, không đủ.

Ông dẫn ví dụ các đoàn khiếu nại, tố cáo đến trung ương mà Ban Tiếp công dân trung ương "mời lãnh đạo tỉnh lên thì cử mấy ông không quyết được gì lên ngồi thống nhất như thế để về báo cáo, không biết báo cáo thế nào".

"Chỗ này, tôi đề nghị phải nghiêm túc. Ban Tiếp công dân trung ương mời ông nào mà không đến, đề nghị công khai trên báo chí. Mời lãnh đạo tỉnh, chủ tịch hay phó chủ tịch UBND tỉnh đến để giải quyết, không đến là công khai trên báo chí.

Ngày bao nhiêu, đoàn đông người của tỉnh A, tỉnh B, Ban Tiếp công dân trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ đã mời trực tiếp đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch nhưng không đến.

Việc này phải rõ ràng và đề nghị Chính phủ có công văn phê bình, cấp ủy, chính quyền kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm.

Mình công khai lên, mình có quyền, còn nếu còn ngại ngùng sợ va chạm, cứ để kéo dài mãi làm sao giải quyết dứt điểm được?", ông Phương nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng cần quan tâm việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng, cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo số ngày theo quy định.

"Nếu Tổng thanh tra Chính phủ kiểm tra nhiều cơ quan, nhiều địa phương, thực sự đúng như quy định chủ tịch UBND các cấp phải dành thời gian tiếp công dân cho đúng thì số lượng khiếu nại tố cáo sẽ giảm", ông Mẫn nói.

Theo ông Mẫn, căn bản, ở cấp xã nếu thật sự giải quyết triệt để, tận gốc sẽ không lên huyện, huyện quan tâm giải quyết sẽ không lên tỉnh và tỉnh quan tâm thì không có đoàn ra trung ương.

"Vấn đề này cần có quy định trách nhiệm rất cao" ông Mẫn nói và nhắc lại việc từng làm chủ tịch UBND TP Cần Thơ và quy định nếu xã, phường dân khiếu kiện thì bí thư, chủ tịch xã, phường phải kiểm điểm trước cấp trên.

Giải trình sau đó về trách nhiệm tiếp công dân của bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ theo quy định của luật, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh mỗi tháng tiếp công dân 1 ngày.

Ông chỉ rõ số lượng ngày tiếp của các bộ trưởng ở báo cáo đang tính theo 21 bộ, ngành, 45 địa phương và 10 tháng...

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị công khai Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh được mời mà không đến tiếp dân - Ảnh 4.Bộ Chính trị ban hành quy trình xử lý với cán bộ diện Trung ương quản lý bị tố cáo

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định 164 về quy trình giải quyết tố cáo với tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên